Thậm chí những người từ nhiều vùng miền trên tổ quốc được học tập và sinh sống tại Hà Nội đều thấy sự yêu mến thân thương nơi mảnh đất Hà Thành. May mắn được cầm trên tay bản thảo cuốn "Hà Nội chưa xa đã nhớ" của nhà báo Vy Anh trước khi đưa vào xuất bản, điều khiến tôi ấn tượng bởi những trang viết tỉ mỉ trong từng câu chữ và sự tinh tế vốn có của người Hà Nội.
Nếu trong phần 1 tác giả thể hiện nỗi nhớ Hà Nội qua những bài viết về bốn mùa đặc sắc, bởi chỉ cần đọc tên đã khiến độc giả liên tưởng đến sắc màu của Hà Nội qua những bài như “Hoa loa kèn gọi nắng tháng tư” “Cúc họa mi chạm ngõ đầu đông” hay “Một thoáng Hà Nội đêm trở gió”. Tuy nhiên điều khiến tôi đánh giá cao hơn cả đó là phần 2 của cuốn tản văn có tên "Món ngon Hà Thành" bởi viết về Hà Nội mà thiếu đi sự miêu tả về ẩm thực sẽ khiến người ta cảm thấy hụt hẫng. Không làm người đọc phải thất vọng, tác giả Vy Anh đã giúp mọi người phải háo hức, phải ngẩn ngơ trước một Hà Nội mùa nào thức đó.
Viết về ẩm thực Hà Nội đã có nhà văn Vũ Bằng với cuốn "Món ngon Hà Nội" và nhà văn Thạch Lam với cuốn "Hà Nội băm sáu phố phường". Tuy nhiên tác giả Vy Anh với lối viết và cái nhìn rất riêng đã khiến người đọc bị cuốn hút và muốn được thưởng thức ngay những món ăn chỉ cần nhắc đến tên là liên tưởng ngay đến tiết trời Hà Nội. Cuốn "Hà Nội chưa xa đã nhớ" khép lại với phần 3 như một sự lắng đọng của người viết cũng như cách sống của người Hà Nội, ở phần này tôi thấy được một tâm hồn Hà Nội qua bài “Cách lễ Phật an nhiên tĩnh tại của người Hà Nội”.
Khép lại cuốn "Hà Nội chưa xa đã nhớ", tôi cảm nhận được một điều, chỉ có những người yêu Hà Nội hết mình như tác giả mới có thể viết ra những trang sách hay đến vậy. Cuốn sách như một bức tranh đa sắc với nhiều mảng màu đan xen, nhưng trên hết nó là sự thành công của tác giả Vy Anh. Hy vọng tình yêu với Hà Nội của mình, trong thời gian tới độc giả sẽ tiếp tục được thưởng thức những bài tản văn mang đậm dấu ấn của tác giả Vy Anh.
Trân trọng giới thiệu đến độc giả một tác phẩm chất lượng.