Hội nhập Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN:

Hà Nội chung sức tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mong muốn không ai bị bỏ lại phía sau, cũng như hội nhập Cộng đồng Văn hóa - Xã hội Asean, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, trong đó tặng quà 500.000 đồng cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt dịp Tết Thiếu nhi, Trung thu.

Nhiều chính sách chăm lo, bảo vệ trẻ em

Hà Nội có hơn 1,9 triệu trẻ em trong đó có hơn 14.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trên 32.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô luôn làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em. Việc này cũng nhằm giảm dần các rào cản, bất bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống, đẩy mạnh việc tiếp cận bình đẳng với an sinh xã hội cho tất cả mọi người.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương tặng quà và học bổng cho trẻ em vượt khó học tốt. 
Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương tặng quà và học bổng cho trẻ em vượt khó học tốt. 

Bởi vậy, sau đại dịch Covid-19, nhiều chính sách chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em đã được TP Hà Nội ban hành. TP Hà Nội đã phê duyệt hỗ trợ tiền ăn và hỗ trợ thêm 1 triệu đồng cho hơn 22.900 trẻ em là F0, F1. Năm 2022, TP đã triển khai hàng loạt các chương trình, đề án dành riêng cho trẻ em, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương và đã đạt được những hiệu quả cao. Có thể kể đến Chương trình xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em…

Bên cạnh đó, công tác y tế, chăm sóc trẻ em được tổ chức thường xuyên tại trường học. TP thực hiện đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dự án dịch vụ bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em tại cộng đồng; chính sách hỗ trợ tim bẩm sinh cho trẻ em mắc tim bẩm sinh. Song song với đó, cơ sở vật chất tại các trường học được quan tâm, đầu tư, chất lượng giáo dục đào tạo được giữ vững.

Những năm qua, TP Hà Nội ban hành nhiều chính sách chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Ảnh: Trần Oanh.
Những năm qua, TP Hà Nội ban hành nhiều chính sách chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Ảnh: Trần Oanh.

Năm 2022, với sự đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật từ dự án phòng chống đuối nước của Bộ LĐTB&XH, TP Hà Nội đã chỉ đạo đồng loạt dạy bơi cho trẻ em 12 xã dự án. Đến nay, 100% các xã đã hoàn thành dự án dạy bơi cho trẻ em và tiến hành kiếm tra. Không chỉ dạy bơi mà kỹ năng phòng chống đuối nước cũng đã được đặc biệt chú trọng cho các em.

Xâm hại bạo lực trẻ em là vấn đề dư luận vô cùng bức xúc. Những năm gần đây, các vụ việc xâm hại bạo lực trẻ em đã được các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm khắc đối tượng vi phạm. Năm 2022 có 100% các thông tin về xâm hại bạo lực trẻ em đều được tiếp nhận giải quyết nghiêm túc; 100% trẻ em trong các vụ việc xâm hại trẻ em khi được phát hiện đều được can thiệp, tư vấn, trợ giúp theo quy định.

Quan tâm hơn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn dễ bị tổn thương, rất cần sự chăm lo của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Để tạo cho các em phát triển toàn diện, năm 2022, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND trong đó quy định mức tặng quà của TP cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi và Tết Trung thu, mức tiền 500.000 đồng/em/ngày.

Trẻ em phấn khởi khi được Hội đồng bảo trợ Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội và các nhà tài trợ tặng thiết bị vui chơi trong dịp hè 2023.
Trẻ em phấn khởi khi được Hội đồng bảo trợ Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội và các nhà tài trợ tặng thiết bị vui chơi trong dịp hè 2023.

Ở góc độ chăm sóc và bảo vệ trẻ em, những năm qua, TP Hà Nội luôn đồng hành và chia sẻ với sẻ với các em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn. Riêng trong năm 2023, TP có nhiều hoạt động nổi bật dành cho trẻ em như: Tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, TP Hà Nội đã tặng quà cho hơn 12.800 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mỗi trẻ em 500.000 đồng, với tổng kinh phí trên 6,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hàng nghìn em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn được tặng quà, xe đạp học bổng, thiết bị vui chơi nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu… Các em được khám sàng lọc và phẫu thuật tim bẩm sinh, khám sàng lọc và phẫu thuật vùng hàm mặt…

Từ những sự quan tâm, chăm sóc của TP, các sở, ban, ngành, nhiều trẻ em đã có sự phát triển tích cực, tiêu biểu như em Nguyễn Thị Diệu My (huyện Thường Tín, Hà Nội). Từ một cô bé tự tin, nhút nhát bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi tham gia chương trình “Gặp mặt trẻ em tiêu biểu Thủ đô vượt khó học tốt” năm 2018 và Lớp học tỏa sáng, em đã tràn đầy năng lượng và tự tin bước vào cuộc sống. “Những kiến thức và những bài học mà các thầy cô ở Lớp học tỏa sáng đã dạy, em có thêm động lực vào bản thân, thực hiện được ước mơ thi đỗ vào trường Đại học Kiến trúc...” – Diệu My chia sẻ.

Điều đặc biệt và ý nghĩa hơn cả khi các trẻ em đạt được ước mơ và hoài bão của mình với sự đồng hành của Hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em TP Hà Nội, các DN, cá nhân có lòng hảo tâm. “Trong những năm trở lại đây, Quỹ đều phát động và nhận được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các DN trên địa bàn TP. Từ năm 2021 đến nay, Quỹ vận động được 24 tỷ đồng trực tiếp quan tâm đến trẻ em, trợ cấp đột xuất, trợ cấp thường xuyên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn…” – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Đinh Hồng Phong cho hay.

Với sự quan tâm chăm sóc của TP Hà Nội, các sở, ban, ngành, DN, nhà hảo tâm với trẻ em, bao gồm cả trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn là tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện. Qua đó, nhằm thúc đẩy xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội Asean của TP Hà Nội hài hòa, đoàn kết, đùm bọc, chia sẻ và hướng tới người dân. Đồng thời, nâng cao phúc lợi, đời sống, giảm nghèo, xây dựng môi trường sống an toàn cho người dân và tạo dựng một bản sắc chung của khu vực.