Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội chung tay bảo vệ trẻ em bằng hành động

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – UBND TP Hà Nội dự kiến tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 vào ngày 26/5 tại huyện Quốc Oai với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”.

100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm, hỗ trợ

UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND Thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2022; thời gian thực hiện từ ngày 1/6 đến 30/6. Kế hoạch số 133/KH-UBND do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng ký yêu cầu 100% UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2022.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Hoàng Thành Thái (đứng bên phải) và các nhà tài trợ tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em năm 2021.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Hoàng Thành Thái (đứng bên phải) và các nhà tài trợ tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em năm 2021.

TP Hà Nội cũng đặt ra yêu cầu 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định được quan tâm, hỗ trợ trong Tháng hành động vì trẻ em, đặc biệt nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Đồng thời, tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi giải trí an toàn, bổ ích cho trẻ em gắn với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Các quận, huyện, thị xã quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng hoặc nâng cấp sửa chữa, bổ sung trang thiết bị vui chơi cho trẻ em tại cộng đồng, ưu tiên cho những địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

UBND TP Hà Nội dự kiến tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 vào ngày 26/5 tại huyện Quốc Oai. Các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch tổ chức Lễ phát động vì trẻ em năm 2022 vào cuối tháng 5 hoặc nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/2022 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Đầu tư trang thiết bị vui chơi giải trí cho trẻ em

Với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, các quận, huyện, thị xã tăng cường các hoạt động truyền thông về những biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em trong gia đình, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

Đồng thời, truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), đường dây nóng về dịch vụ trợ giúp khẩn cấp của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội (0433.525662/0912.902611) để thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và các địa chỉ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, an sinh xã hội tại địa phương.

Các quận, huyện, thị xã thường xuyên rà soát, quản lý trẻ em nói chung, trẻ em xó hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng để có giải pháp ngăn ngừa, can thiệp, trợ giúp kịp thời tại cộng đồng. Cũng như, tập trung giải quyết, can thiệp, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, nhằm đảm bảo quyền trẻ em.

Trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, các địa phương sẽ tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Các quận, huyện, thị xã cứ vào tình hình thực tế để tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” nhằm tạo cơ hội cho trẻ em được bày tỏ ý kiến, trình bày quan điểm, nguyện vọng về các vấn đề có liên quan đến trẻ em. Bên cạnh đó là tổ chức các câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em; các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện tại địa phương.

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương tổ chức những hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao, giao lưu… với nội dung bổ ích, hình thức phong phú, phù hợp với nhu cầu của trẻ và tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và thực tế của địa phương, đơn vị.

Các quận, huyện, thị xã tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực từ những tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, hỗ trợ cho trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng. Cùng với đó là đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, cơ sở vật chất hoặc nâng cấp các công trình trường, lớp học, nhà bán trú, bể bơi, bổ sung những trang thiết bị vui chơi giải trí, dụng cụ thể dục thể thao phù hợp cho trẻ em tại cộng đồng.