Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: công bố tên phường, xã dự kiến sau sáp nhập

Ngọc Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay, 8 quận, huyện, thị xã ở Hà Nội đã công bố đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường giai đoạn 2023-2025 để lấy ý kiến người dân.

Quận Ba Đình lấy ý kiến người dân về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường.
Quận Ba Đình lấy ý kiến người dân về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường.

Theo hướng dẫn của Sở Nội vụ, tên đơn vị hành chính mới được xem xét dựa trên yếu tố truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, ưu tiên sử dụng tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp hoặc được sử dụng trong quá trình hình thành và phát triển.

Quận Hai Bà Trưng sắp xếp 7 phường thành bốn: Nhập một phần phường Cầu Dền vào Thanh Nhàn lấy tên Thanh Nhàn; nhập một phần phường Cầu Dền vào Bách Khoa thành phường Bách Khoa; Quỳnh Lôi và Bạch Mai thành phường Bạch Mai; Đống Mác và Đồng Nhân thành phường Đồng Nhân.

Tại quận Thanh Xuân, Thanh Xuân Nam và Thanh Xuân Bắc sáp nhập thành phường Thanh Xuân Bắc; Kim Giang và Hạ Đình thành phường Hạ Đình.

Tại quận Ba Đình, Nguyễn Trung Trực và Trúc Bạch sáp nhập thành phường Trúc Bạch. Do tên gọi Trúc Bạch gắn liền quá trình lịch sử và tên Tiểu khu Trúc Bạch trước đó bao gồm cả phường Nguyễn Trung Trực hiện nay.

Tại quận Hà Đông, ba phường Quang Trung, Nguyễn Trãi, Yết Kiêu hợp nhất thành Quang Trung.

Tại quận Đống Đa, phường Khâm Thiên và Trung Phụng thành Khâm Thiên; nhập một phần phường Ngã Tư Sở vào Khương Thượng, lấy tên Khương Thượng; một phần phường Ngã Tư Sở nhập vào Thịnh Quang thành Thịnh Quang; nhập một phần phường Trung Tự vào Phương Liên thành Phương Liên - Trung Tự; nhập một phần phường Trung Tự vào Kim Liên thành Kim Liên; Quốc Tử Giám và Văn Miếu thành phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Tại quận Long Biên, nhập một phần phường Sài Đồng vào Phúc Đồng thành Phúc Đồng; nhập một phần phường Sài Đồng vào Phúc Lợi thành Phúc Lợi.

Tại thị xã Sơn Tây, ba phường Lê Lợi, Ngô Quyền và Quang Trung sáp nhập thành một, lấy tên phường Ngô Quyền.

Huyện Ứng Hòa có số xã giảm lớn nhất trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính khi nhập 14 thành 5 xã. Cụ thể, nhập xã Viên Nội, Viên An, Hoa Sơn thành Hoa Viên; nhập xã Cao Thành, Sơn Công, Đồng Tiến thành xã Cao Sơn Tiến; nhập xã Hòa Xá, Vạn Thái, Hòa Nam thành xã Thái Hòa; nhập xã Lưu Hoàng, Hồng Quang, Đội Bình thành xã Bình Lưu Quang; nhập xã Trầm Lộng, Hòa Lâm thành xã Trầm Lộng...

Trong đợt sắp xếp này, theo tiêu chí về diện tích, dân số, TP Hà Nội có 173 xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, do đặc thù quốc phòng, an ninh, truyền thống lịch sử, văn hóa, tốc độ phát triển đô thị và trình độ phát triển kinh tế nên thành phố đề xuất phương án giảm khoảng 70 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn ở 20 quận, huyện và thị xã.

Đợt lấy ý kiến Nhân dân về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường và thông qua HĐND quận, huyện, thị xã dự kiến hoàn thành trước ngày 10/4.

Sở Nội vụ sẽ tổng hợp xây dựng hồ sơ đề án, báo cáo UBND TP Hà Nội trình xin ý kiến Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy. UBND sau đó trình HĐND thành phố tổ chức kỳ họp ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính trước ngày 15/5, để thành phố hoàn chỉnh hồ sơ gửi Bộ Nội vụ và Ban Chỉ đạo Chính phủ, hoàn thành trước ngày 31/5.

Năm 2024, cả nước có 50 quận, huyện và hơn 1.200 phường, xã được sáp nhập nhằm tinh giản bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ công.

Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận, huyện phải có diện tích tối thiểu 35 km2, dân số 150.000; phường (thuộc quận) có dân số từ 15.000 người trở lên; diện tích 5,5 km2 trở lên; xã là 5.000 người đến 8.000 người trở lên, diện tích từ 30 km2.

Đến năm 2025, các tỉnh, thành cần hoàn thành sắp xếp quận, huyện và phường, xã có đồng thời hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.