Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đã cải thiện tích cực tình hình giao thông vận tải

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/9, UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT đã có cuộc họp đánh giá kết quả phối hợp giữa TP và Bộ GTVT trong công tác quản lý nhà nước, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo trật tự, ATGT trên địa bàn Thủ đô.

Hội nghị có sự tham gia của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, các Phó Chủ tịch UBND TP và Thứ trưởng Bộ GTVT cùng lãnh đạo các Sở, Ban ngành TP.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện Quy hoạch GTVT Thủ đô, Quy hoạch, sắp xếp luồng tuýen vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn TP.

Theo đó, về cơ bản các nội dung công tác đã được thống nhất giữa lãnh đạo TP và lãnh đạo Bộ GTVT, kết luận tại hội nghị ngày 07/3/2016 đã được tập trung chỉ đạo, phối hợp, tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả, đáp ứng được các yêu cầu đề ra trong công tác quản lý nhà nước, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo trật tự, ATGT. 
 Toàn cảnh cuộc họp đánh giá kết quả phối hợp giữa TP và Bộ GTVT  
Trong đó một số kết quả thể hiện rõ nét, đặc biệt là Đồ án quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đang được hiện thực hoá.

Hà Nội đã hoàn thành và khởi công nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn TP như: 12 công trình cầu yếu; một số đoạn tuyến của các tuyến đường hướng tâm, vành đai, đường trục chính đô thị, đường liên khu vực trên địa bàn...
Phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với Bộ GTVT trong việc triển khai thực hiện các dự án do Bộ đầu tư trên địa bàn như: Đường Vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; Cầu Việt Trì - Ba Vì nối QL32 với QL32C; Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2A, dự án mở rộng đường Pháp Vân - Cầu Giẽ ...

Đối với danh mục 8 công trình giao thông cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế giao thầu (TP thực hiện 7 công trình và Bộ GTVT thực hiện 1 công trình): Hà Nội đã hoàn thành 2/7 công trình (cầu vượt Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái và cầu vượt nút giao Cổ Linh).

TP cũng đã Khởi công công trình Vành đai 3 dưới thấp, đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long, dự kiến hoàn thành vào năm 2018. 2 công trình: cầu vượt nút giao An Dương và cầu vượt Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc cũng đã phê duyệt dự án và chuẩn bị khởi công...

Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh, một trong những thành công đáng kể nhất trong quá trình phối hợp công tác giữa TP và Bộ GTVT là triển khai thực hiện thành công và có hiệu quả trong việc điều chuyển, sắp xếp luồng tuyến tuyến xe khách liên tỉnh theo đúng định hướng quy hoạch luồng tuyến đã được Bộ GTVT phê duyệt, góp phần quan trọng trong việc hạn chế ùn tắc giao thông khu vực nội đô

Bên cạnh đó, TP đã phối hợp với Bộ GTVT triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác quản lý, duy tu, duy trì hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông một cách thường xuyên, kịp thời, linh hoạt.

Nhiều giải pháp tích cực đã góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đặc biệt là trong các dịp Lễ, Tết và trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng trên địa bàn TP. Đến thời điểm hiện nay, Hà Nội đã cơ bản giải quyết được 6/41 điểm UTGT trong năm 2017.

UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030” làm tiền đề cho việc triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, cơ chế chính sách nhằm giảm UTGT cho TP.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đánh giá cao công tác phối hợp giữa TP và Bộ thời gian qua và mong muốn được trao đổi trực tiếp các vấn đề thực tế với các Sở, Ban, ngành TP để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại.