Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Đa dạng mô hình phát triển năng lực cho đội ngũ nhà giáo

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các đơn vị, trường học trên địa bàn TP Hà Nội đã đẩy mạnh nhiều hoạt động, nhiều mô hình để nâng cao kiến thức và phát triển năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo.

Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, toàn ngành giáo dục đã và đang tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trọng tâm là tổ chức tuyên truyền, thực hiện hiệu quả hoạt động đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá định hướng phát triển năng lực.

Một tiết hội giảng của ngành giáo dục huyện Ba Vì
Một tiết hội giảng của ngành giáo dục huyện Ba Vì.

Thực hiện chỉ đạo của Sở, chuyên viên, giáo viên cốt cán từng đơn vị đã tham gia các lớp tập huấn về đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên tiếng Anh; bồi dưỡng giáo viên cốt cán về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở 6 mô - đun các môn học; tập huấn cộng tác viên thanh tra và đánh giá ngoài chất lượng giáo dục.

Hiện 30/30 quận huyện, 100% nhà trường thực hiện hiệu quả công tác tập huấn đại trà nhiệm vụ năm học, định hướng hoạt động chuyên môn các môn học. 100% giáo viên bộ môn được tập huấn về kỹ năng xây dựng các chủ đề STEM, dạy học phát triển năng lực và thiết kế các hoạt động dạy học; kiến tạo lớp học hạnh phúc, chuyển đổi số.

Về xây dựng kế hoạch tổ chức chuyên đề môn, Sở chỉ đạo các đơn vị xây dựng chuyên đề cấp cụm, tổ chức tập huấn chuyên đề với các nội dung: Trường học hạnh phúc, dạy học STEM…, tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về đổi mới công tác quản lý; công tác chỉ đạo việc dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng, bồi dưỡng năng lực đánh giá học sinh.

Một số mô hình tiêu biểu có thể kể: Đề án "Hỗ trợ dạy học ngoại ngữ" cho 100% giáo viên và học sinh tại 35 trường (do huyện Ba Vì liên kết Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) thực hiện); mô hình “Trường học cùng nhau phát triển”, “Trường học điện tử” (quận Long Biên); mô hình thi đua điểm “Xây dựng trường học Xanh – Sạch - Đẹp - An toàn” góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức không gian “Thư viện mở”, “Thư viện trực tuyến”, “Thư viện xanh” với hoạt động lấy sách đổi cây (quận Hoàng Mai); mô hình “Giáo viên của giáo viên” (Giáo viên giỏi giúp đỡ, bồi dưỡng giáo viên mới ra trường, giáo viên ít kinh nghiệm, tạo sự lan tỏa trong đội ngũ giáo viên), “Học sinh của giáo viên” (phát huy tinh thần tự học, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của giáo viên), “Tổ chuyên gia” (gồm các giáo viên giỏi, giảng viên các trường đại học, học viện), “Tổ công tác hỗ trợ thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” (quận Thanh Xuân); mô hình “Nâng cao hoạt động của phòng Tâm lý học đường” (quận Cầu Giấy)…

Ngoài ra, các nhà trường, đặc biệt cấp THCS đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ qua Hội thi giáo viên giỏi, hội giảng…. Đây được coi là các đợt sinh hoạt chuyên môn sâu rộng, tạo chuyển biến rõ rệt, mang đến sự tự tin, vững vàng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và được dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao.