Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đảm bảo an toàn thực phẩm dịp lễ hội Xuân

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hằng năm, sau Tết Nguyên đán, nhiều địa phương trên cả nước đều tổ chức lễ hội. Để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) Lễ hội Xuân 2023, Hà Nội đã chủ động triển khai, kiểm tra, giám sát trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và du khách.

Siết chặt quản lý nhà hàng, quán ăn

Lễ hội chùa Hương Xuân Quý Mão 2023 sẽ chính thức khai hội vào ngày 27/1 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng). Tuy nhiên, những ngày qua, "biển" người đã đổ về chùa Hương (huyện Mỹ Đức) đi lễ đầu năm.

Theo đại diện Ban quản lý Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn, công tác chuẩn bị cho việc khai hội vào mùng 6 đã hoàn tất. Để bảo đảm an ninh trật tự, ATTP trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, công tác quản lý các nhà hàng, quán ăn được đặt lên hàng đầu. Trong đó, tổ công tác liên ngành sẽ thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở các hàng quán bán hàng bảo đảm ATTP cho du khách. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường sẽ thường xuyên kiểm tra về nguồn gốc thực phẩm,…

Lễ hội chùa Hương Xuân Quý Mão 2023 chính thức khai hội vào ngày 27/1 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng). Tuy nhiên, những ngày qua, "biển" người đã đổ về chùa Hương (huyện Mỹ Đức) đi lễ đầu năm.
Lễ hội chùa Hương Xuân Quý Mão 2023 chính thức khai hội vào ngày 27/1 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng). Tuy nhiên, những ngày qua, "biển" người đã đổ về chùa Hương (huyện Mỹ Đức) đi lễ đầu năm.

Tại huyện Ứng Hòa, trước đó, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện đã triển khai công tác đảm bảo ATTP phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân năm 2023 trên địa bàn.

Trong đó, huyện Ứng Hòa sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được người dân tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và có yếu tố nguy cơ cao. Xử lý nghiêm những vi phạm về chất lượng và điều kiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định. Trong quá trình kiểm tra, giám sát kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng ATTP cho cán bộ quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Phối hợp các ngành thông tin rộng rãi những cơ sở vi phạm và những cơ sở thực hiện tốt, những địa chỉ tin cậy về chất lượng ATTP.

Đối với cơ sở thực phẩm, tiến hành kiểm tra, giám sát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; cụ thể, bao gồm các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết: thịt, giò, chả, thủy hải sản, trái cây, rau, củ, quả. Rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt, kẹo, dầu ăn, đường, sữa. Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là gia súc, gia cầm, sản phẩm của gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm ATTP.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Ứng Hòa có 490 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc ngành Y tế quản lý. Năm 2022, các đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của huyện và các xã, thị trấn đã thực hiện kiểm tra 490 cơ sở thực phẩm. Kết quả có 418 cơ sở đạt (85,3%), có 72 cơ sở vi phạm trong đó xử phạt  12 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 13 triệu đồng. Các ngành chức năng cũng đã mở 30 lớp tập huấn về ATTP cho người kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, triển khai các văn bản của TP về ATTP,... Ngoài ra TTYT huyện còn thực hiện xét nghiệm nhanh 16.578 mẫu (tinh bột, hàn the, dấm ăn, phẩm màu...) đạt 14.200/16.578 tương ứng với tỷ lệ 85,6%.

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Ứng Hòa thực hiện kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo ATTP tại các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn.
Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Ứng Hòa thực hiện kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo ATTP tại các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân. Hướng dẫn người dân cách lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn. Qua đó, nâng cao việc phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm góp phần vào giảm thiểu ngộ độc thực phẩm; phòng ngừa ngộ độc rượu trong dịp Tết..., giúp người dân lựa chọn thực phẩm an toàn, đảm bảo đón Tết yên vui, an toàn.

Kiểm tra đột xuất về ATTP tại các điểm di tích, lễ hội

Nhằm đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội Xuân năm 2023, trước đó TP Hà Nội đã có kế hoạch triển khai. Trong dịp này, toàn TP có 676 đoàn thanh tra, kiểm tra, trong đó số đoàn thanh kiểm tra tuyến TP có 14 đoàn; 83 đoàn kiểm tra tuyến quận huyện, thị xã; 579 đoàn kiểm tra tuyến xã phường, thị trấn. Tổng số cơ sở được thanh kiểm tra là 5.042 cơ sở, có 4.522 cơ sở đạt, vi phạm 520 cơ sở, phạt 296 cơ sở (tổng số tiền phạt là 1.306.252.000 đồng), nhắc nhở 182 cơ sở, cảnh cáo 42 cơ sở.

Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về ATTP  kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại siêu thị.
Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về ATTP  kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại siêu thị.

Thời gian qua, các Đoàn kiểm tra liên ngành TP đã kiểm tra việc triển khai công tác đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023 của 10 Ban chỉ đạo công tác ATTP quận, huyện. Kiểm tra thực tế tại 9 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. 4 cơ sở đã xuất trình đầy đủ giấy tờ, đảm bảo các điều kiện về ATTP. Giao cho Ban Chỉ đạo công tác ATTP các quận, huyện tiếp tục làm việc với 8 cơ sở, lấy 3 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm.

Để tăng cường công tác đáp ứng y tế, đảm bảo ATTP, Sở Y tế Hà Nội đề nghị TTYT các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với Ban tổ chức các lễ hội cùng cơ quan liên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ lễ hội. Tổ chức thường trực chống dịch, giám sát phát hiện sớm, khoanh vùng và xử lý kịp thời, triệt để dịch bệnh; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh, chất lượng nước tại các cơ sở cấp nước trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở cung cấp nước phục vụ lễ hội.

Ngoài ra, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm soát công tác đảm bảo ATTP, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về công tác vệ sinh ATTP tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại các điểm di tích, lễ hội; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan chức năng xử lý vi phạm theo quy định.

Liên quan đến vấn đề này, Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về ATTP đề nghị, Hà Nội tiếp tục tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo, đẩy mạnh thanh kiểm tra liên ngành, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội để đảm bảo ATTP phục vụ Nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, kịp thời công khai các trường hợp vi phạm quy định ATTP. Hà Nội đẩy mạnh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn đến người dân, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm...