Người tiêu dùng đổ xô dự trữ hàng hóa
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam, từ chiều 7/9 siêu bão Yagi sẽ đổ bộ đất liền, gây mưa rất lớn, ngập lụt diện rộng, ngay từ ngày 6/9 người dân đã vội vã tích trữ thực phẩm, khiến nhiều chợ truyền thống hết hàng từ sáng sớm.
Chị Hồng Hà (Ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng) cho biết, lúc 8 giờ sáng ra chợ gần nhà để mua thực phẩm nhưng gần như không còn rau, thịt cá để mua khi nhiều sạp kinh doanh mặt hàng này đã hết hàng, nên phải đi những 2 chợ mới mua được 5 lạng thịt.
Thực tế tại chợ Thành Công (Ba Đình) cho thấy, ngay từ sáng sớm mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, cá nhất là rau xanh đã được người tiêu dùng mua với số lượng lớn, người đi chợ muộn mất cơ hội mua hàng. Sức mua tăng mạnh khiến giá bán tăng, chị Minh Nguyệt, tiểu thương chợ Thành Công chia sẻ giá bán mặt hàng rau củ, thịt cá hiện tăng hơn bình thường khoảng 20-30%. “Bình thường 1 mớ rau muống, mùng tơi chỉ 5000-7000 đồng/mớ nhưng hiện giá bán lên đến 15.000 đồng/mớ.”-chị Nguyệt thông tin.
Không chỉ hệ thống chợ truyền thống mới đông người mua sắm mà tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng trong tình trạng đông khách. Thông tin từ siêu thị Big C Thăng Long cho thấy, từ ngày 5/9 sức mua hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại siêu thị đã tăng mạnh, trong đó rau xanh là mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất. Trong vòng ba tiếng, từ 7-10h sáng 6/9 nhân viên siêu thị đã 5 lần xếp thêm hàng vào quầy.
Tương tự tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông trong sáng ngày 6/9, sức mua tăng 30% so với ngày thường, trong đó chủ yếu là mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh. Giám đốc Winmart Thăng Long (Cầu Giấy) Phan Thị Hoài Thương cho biết, trong sáng 6/9 sức mua rau, thực phẩm tăng khoảng 350% so với ngày thường. Trong khi đó, đại diện AEON Việt Nam thông tin trong ngày 5- 6/9, các Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị AEON khu vực phía Bắc ghi nhận sức mua của khách hàng tăng 20% so với ngày thường.
Doanh nghiệp tích cực dự trữ hàng hóa
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, ngăn chặn hiện tượng tăng giá đột biến, hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh dự trữ hàng hóa, trong đó chú trọng tới mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh.
Thông tin về việc dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, Phó Tổng Giám đốc Chuỗi WinMart Nguyễn Tiến Dũng cho biết, WinMart đã lên kế hoạch đảm bảo đầy đủ hàng hóa, thực phẩm thiết yếu. "Riêng đối với mặt hàng rau xanh ngoài 2 nguồn hàng chính là nông trường WinEco Hải Phòng và Quảng Ninh nhưng đây là địa phương chịu ảnh hưởng của bão nên WinMart đã nhanh chóng huy động thêm nguồn hàng từ WinEco và các nhà cung cấp khác tại Lâm Đồng"-ông Dũng nêu ví dụ.
Tương tự Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng , siêu thị Big C đã làm việc với nhà cung cấp, tăng gấp đôi nguồn cung ứng trong đó chú trọng đến mặt hàng rau củ quả tươi sống. Bên cạnh đó siêu thị đã đã tăng thêm thời gian mở cửa tới 23h thay vì 22h như ngày thường.
Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung thông tin, sau khi tiếp nhận tình hình cơn bão số 3, hệ thống siêu thị Co.opmart khu vực phía Bắc đã chủ động tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 3 so với ngày thường. Các siêu thị Co.opmart ở những địa phương không bị ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3 cũng sẵn sàng đối ứng hàng hóa qua những chuyến hàng vận chuyển xuyên đêm tới những điểm bán cần thiết. Không chỉ giữ giá ổn định, Co.opmart tiếp tục thực hiện các chương trình khuyến mại đang được áp dụng như rau xanh, mì ăn liền, giấy vệ sinh … giảm giá từ 30 – 50%
Tương tự, Phó Tổng giám đốc BRG Mart Nguyễn Thị Hiền cho biết, theo dự báo, chiều 7/9 bão số 3 sẽ đổ bộ vào đất liên nên hệ thống siêu thị BRG đã chủ động dự trữ một lượng lớn hàng tiêu dùng thiết yếu tăng 30% so với bình thường. Đồng thời tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá từ 10-35% cho các mặt hàng thực phẩm tươi sống…
nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, các siêu thị AEON khu vực phía Bắc đã nâng lượng hàng dự trữ gấp 2-3 lần ngày thường, trong đó chú trọng các mặt hàng đồ tươi sống. Bên cạnh đó, AEON cũng tập trung dự trữ một số mặt hàng cần sử dụng trong những tình huống bị mất điện, mất nước như đèn pin, áo mưa, ủng, đồ đựng thực phẩm sử dụng một lần. Những sản phẩm này được trưng bày ở những vị trí thuận tiện dễ nhìn, dễ lấy để khách hàng dễ dàng tìm thấy...
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, đơn vị đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa phục vụ cứu trợ, đảm bảo đời sống nhân dân khi có sự cố, thiên tai trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024.
Theo đó đơn vị đã yêu cầu hệ thống bán lẻ trên địa bàn Hà Nội dự trữ một số mặt hàng cứu trợ khẩn cấp của nhân dân. Cụ thể các siêu thị sẽ dự trữ gạo, đồ khô ăn liền, sữa uống (hộp giấy), nước sạch đóng chai, nến thắp sáng, thực phẩm chế biến từ thịt và cá, thịt gia súc gia cầm thủy hải sản tươi sống, dầu ăn, rau củ quả, Ngoài ra dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác như, ủng cao su, áo mưa, bạt che mưa các loại, đèn pin, pin đèn, đèn bão, phèn chua, chất đốt… trị giá hơn 122,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội còn triển khai thực hiện bình ổn giá 13 nhóm hàng bao gồm lương thực, thịt lợn, gia cầm, thủy hải sản tươi, đông lạnh, thực phẩm chế biến, dầu ăn, rau, củ; trứng gia cầm; sữa trẻ em dưới 6 tuổi, gia vị, đường, bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát
“Tất cả với tinh thần chủ động, hướng tới mục tiêu cung ứng bảo đảm về số lượng, chất lượng hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc, nhiên liệu… phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão. Ngành công thương Hà Nội không để xẩy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, làm ảnh hưởng đến tiêu dùng sinh hoạt của nhân dân " - ông Hiệp khẳng định.