Hà Nội đảm bảo thông suốt trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2023

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/6, Sở GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trưởng điểm thi, Phó Trưởng điểm thi tại 189 điểm thi đã có mặt để cùng nghe phổ biến, thống nhất các nguyên tắc, quy chế và nội quy của kỳ thi.

Nhiều điểm mới

Xét về tính chất, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi cấp quốc gia và có ý nghĩa rất quan trọng; phục vụ nhiều mục đích khác nhau (xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy và học của trường phổ thông; tuyển sinh ĐH, CĐ). Hà Nội coi kỳ thi vào lớp 10 vừa diễn ra là đợt tổng diễn tập về nghiệp vụ coi thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

189 Trưởng điểm thi - Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 và các phó trưởng điểm thi tham gia tập huấn nghiệp vụ coi thi
189 Trưởng điểm thi - kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 và các phó trưởng điểm thi tham gia tập huấn nghiệp vụ công tác coi thi.

Năm 2023, Hà Nội tiếp tục là địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đông nhất cả nước. Toàn TP Hà Nội có 102.095 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi, trong đó có 88.831 thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục THPT (3.361 thí sinh tự do); 13.264 thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục thường xuyên. Hà Nội dự kiến bố trí 189 điểm thi với 4.263 phòng thi; điều động 14.907 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi.

Tại các điểm thi còn có 537 thanh tra cắm chốt. TP thành lập tổ giám sát gồm 16 nhóm, Ban Chỉ đạo thi TP thành lập 11 tổ kiểm tra các khâu của kỳ thi. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT bố trí 577 thanh tra đi kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi. Do yêu cầu bố trí điểm thi phù hợp với thí sinh, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Hà Nội bố trí 37 điểm thi mới so với kỳ thi lớp 10.

Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia yêu cầu Kỳ thi phải đảm bảo thông suốt và xuyên suốt trên 63 tỉnh, TP. Do vậy, mỗi cán bộ làm thi không được chủ quan mà phải nỗ lực, thận trọng và thống nhất. Các điểm thi cần quan tâm công tác phòng chống úng ngập; có phương án, kịch bản khắc phục tình huống đột xuất, bất ngờ; rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện; có máy phát điện dự phòng, có tủ bảo quản đề thi, có khu vực trông giữ đồ cho thí sinh; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương; làm kỹ và chủ động trong mọi khâu…

Hiện Sở GD&ĐT Hà Nội đã gửi đầy đủ văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND TP, Sở GD&ĐT về phân công nhiệm vụ chi tiết cho các thành viên Ban Chỉ đạo; yêu cầu các trưởng điểm và phó trưởng điểm làm đúng vai, thuộc bài, đúng trách nhiệm; tiếp tục tổ chức tập huấn, phổ biến quy chế thi; không xảy ra sai sót dù là nhỏ nhất.

Toàn TP chia làm 16 cụm thi. Cụm trưởng đã tổ chức kiểm tra chéo các đơn vị và sơ bộ đánh giá: Hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh đảm bảo tính hợp lệ, đầy đủ giấy tờ, thực hiện đúng chương trình, có kế hoạch ôn tập cho học sinh, rà soát các điều kiện tại hầu hết các điểm thi. Từ ngày 26/6, Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành kiểm tra các điểm thi.

Ngăn ngừa vi phạm quy chế

Theo quy chế, mọi hình thức vi phạm dù vô tình hay cố ý đều bị xử lý theo quy định để bảo đảm tính khách quan, bảo mật, nghiêm túc cho kỳ thi. Phổ biến về cách nhận biết một số thiết bị công nghệ cao thường được sử dụng để gian lận thi cử trong các kỳ thi, thượng tá Ngô Xuân Hải - Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an TP Hà Nội) nhấn mạnh: Công nghệ ngày càng phát triển với sự ra đời của rất nhiều thiết bị tinh vi, nhỏ gọn, khó phát hiện. Điều này đòi hỏi yếu tố con người càng phải cẩn thận, trách nhiệm hơn.

Trưởng các điểm thi trao đổi ý kiến xung quanh nghiệp vụ coi thi
Trưởng các điểm thi trao đổi ý kiến xung quanh nghiệp vụ coi thi.

Các thiết bị gian lận thi cử phổ biến hiện nay thường gắn camera ngụy trang dưới dạng mắt kính, bút viết, thắt lưng, khuy áo, trang sức, đồng hồ, tai nghe siêu nhỏ… Để mang các thiết bị này vào phòng thi, thí sinh giấu chúng trong trang phục, quấn quanh cổ áo, khâu chìm phía bên trong lớp áo….

Theo thượng tá Ngỗ Xuân Hải, có hai phương pháp phát hiện thí sinh mang thiết bị gian lận vào phòng thi, đó là quan sát dấu hiệu bất thường bằng công nghệ AI và quan sát bằng mắt thường. Trước khi vào phòng thi, cán bộ coi thi cần tuyên truyền cho thí sinh về quy chế thi, nhắc nhở, nghiêm cấm thí sinh không mang vật dụng không được phép vào phòng thi, đồng thời nêu rõ hậu quả nếu phát hiện thí sinh cố tình vi phạm. Đề thi tốt nghiệp THPT thuộc tài liệu “tối mật”, nếu ai cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Khi xác định được thí sinh vi phạm, cán bộ coi thi cần lập tức thông báo cho cán bộ giám sát để báo cáo Trưởng điểm; yêu cầu thí sinh dừng làm bài thi, lập biên bản, thu hết thiết bị, niêm phong thiết bị. Trưởng điểm thi báo ngay với lực lượng công an để xử lý kịp thời, tránh trường hợp kết thức giờ thi mới thông báo dẫn đến thông tin đã tuyên truyền rộng rãi trên mạng.

“Với thí sinh không tự viết bài thi được, ngay từ khi làm thủ tục thi, cán bộ coi thi cần báo cáo, đăng ký với Hội đồng thi và thông qua lực lượng an ninh trường thi để có sự chuẩn bị, kiểm tra, hỗ trợ; tránh sự bị động, lúng túng trong xử lý…” - đại diện Công an TP Hà Nội cho biết.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT TP Hà Nội năm 2023 nhấn mạnh: "Hà Nội sẽ dành mọi điều kiện tốt nhất cho kỳ thi; tăng cường hỗ trợ phụ huynh; không để học sinh vì lý do giao thông hoặc các vấn đề đặc biệt mà không đến được điểm thi. Cán bộ coi thi không lúng túng, không mất bình tĩnh, không chủ quan, lơi là trong quá trình xử lý thông tin; không được tự ý xử lý việc làm bất thường. Mỗi cán bộ quản lý luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và tham gia tập huấn nghiệp vụ công tác coi thi đầy đủ để kỳ thi diễn ra bình thường".