Thị trường đất nền ngoại thành ấm trở lại
Sau khi có thông tin các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng phấn đấu thành quận, bất động sản các địa phương này dần "ấm lên" sau thời gian dài chịu tác động từ đại dịch COVID-19.
Trao đổi với PV Lao Động, anh Nguyễn Văn Lâm (An Khánh - Hoài Đức) cho biết, ngay khi có thông tin Hoài Đức đang phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu để lên quận, rất nhiều nhà đầu tư tìm đến mua đất. Nhiều lô đất trong các ngõ, ngách nhỏ "hét giá" 50 - 60 triệu đồng/m2 vẫn có người mua.
"Giá đất bây giờ chưa cao bằng thời kỳ "sốt đất" hồi 2021, nhưng tăng khá cao so với một năm trước. Thời điểm sốt đất, người ta mua với giá hơn 100 triệu đồng/m2, đến giờ chưa cắt lỗ, cũng chưa thấy xây dựng gì. Gần đây, tôi thấy rất nhiều người tìm hỏi mua" - anh Lâm chia sẻ.
Thị trường có dấu hiệu hồi phục, môi giới bất động sản cũng hoạt động sôi nổi hơn. Anh Nguyễn Mạnh Dũng - nhân viên một công ty môi giới bất động sản - cho biết, sau khi "sốt đất", nhiều đồng nghiệp của anh phải chuyển nghề vì giao dịch quá ảm đạm. Tuy nhiên đất nền ngoại thành Hà Nội đang hồi phục cả về giá và giao dịch trong nửa đầu năm 2024.
"Giá đất một số khu vực tại huyện Đông Anh có nhiều lô đất được chào bán từ 100 - 150 triệu đồng/m2. Mức giá này đã tăng từ 10 - 15% so với đầu năm 2023.
Những khu vực đất nền Đông Anh hay Gia Lâm đang tăng 20 - 30% giá so với năm 2023. Một số nơi có vị trí rất đẹp, giá có thể lên tới 100 triệu đồng/m2, nhưng giá này không phổ biến.
Từ khi huyện Đông Anh dự kiến lên quận, nhiều chủ đất muốn chào bán giá cao hơn trước, những người có nhu đầu đầu tư cũng rục rịch tìm đất. Tuy nhiều khách quan tâm tìm mua nhưng giao dịch không quá nhiều. Theo tôi một phần do giá đất những huyện này đang bị hét quá cao, một phần do nhà đầu tư vẫn đang theo dõi động tĩnh" - anh Dũng nói.
Môi giới ngạc nhiên vì giá trúng đấu giá quá cao
Ngày 19.8, huyện Hoài Đức tổ chức đấu giá 19 lô đất tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên (Hoài Đức - Hà Nội). Ghi nhận của PV cho thấy, vị trí 19 lô đất đấu giá tại huyện Hoài Đức lần này nằm sát khu vực đường Vành đai 4 đi qua.
Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức thông tin, giá khởi điểm thấp nhất từ 7,3 triệu đồng/m2, bước giá tối thiểu là 6 triệu đồng/m2. Trải qua 9 vòng đấu giá kéo dài suốt 19 giờ đồng hồ từ 9h sáng 19.8 đến 4h30 phút sáng 20.8 mới kết thúc. Lô đất có giá trúng đấu giá cao nhất lên đến 133,3 triệu đồng/m2 với tổng giá trị hơn 15 tỉ đồng.
Phiên đấu giá đất khiến nhiều người quan tâm không chỉ vì thời gian đấu giá kéo dài mà còn vì mức giá "khủng". So với giá khởi điểm là 7,3 triệu đồng, lô đất này được nhà đầu tư trả gấp hơn 18 lần.
Anh Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng, mức đấu giá trên là rất cao: "Dù vị trí đẹp hơn nữa tôi nghĩ không đến giá ấy. Thông thường giá đất ở Tiền Yên chỉ quanh ngưỡng 40 - 45 triệu đồng/m2. Cùng ở huyện Hoài Đức thì giá đất tại xã Đức Giang hay xã Đức Thượng sẽ cao hơn. Thực tế tôi cũng đang không hiểu tại sao giá lại cao đến như vậy".
Trao đổi với PV Lao Động, đại diện một đơn vị nghiên cứu thị trường cho biết, mức trúng đấu giá của 19 thửa đất khu LK03 và LK03 xã Tiền Yên, Hoài Đức cao gấp 2 - 3 lần khoảng giá phổ biến.
"Giá rao bán phổ biến đất nền ở xã Tiền Yên trong quý 2/2024 là 43 triệu đồng/m2. Trong vòng 1 năm qua, giá đất ở địa phương này đã tăng hơn 48%. Tuy nhiên, giá đất trúng đấu giá trong phiên vừa qua vẫn cao gấp từ 2 đến 3 lần so với mặt bằng giá phổ biến".
Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan - nhận định rằng, kết quả đấu giá đất với mức giá cao như vậy sẽ khiến chi phí giải phóng mặt bằng cho các dự án mới trở nên đắt đỏ hơn.
"Với mức giá trúng đấu giá cao hơn mặt bằng chung từ 2 đến 3 lần, người dân sở hữu đất ở khu vực xung quanh có tâm lý đẩy giá bán đất của mình theo. Mức giá đất cao đột biến cũng có thể tạo ra xu hướng đầu cơ đất đai, khi nhiều người đổ xô mua đất với hy vọng kiếm lợi nhuận từ việc giá đất tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, điều này có thể gây ra tình trạng dòng tiền bị ứ đọng vào đất, thay vì được lưu thông trong các hoạt động kinh tế khác" - ông Tuấn nói.