Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội dạy nghề, tạo việc làm cho học viên cai nghiện ma túy

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cơ sở cai nghiện ma túy (CNMT) tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho học viên giúp thích ứng nhanh hơn với cuộc sống, rút ngắn thời gian tái hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, yếu tố then chốt vẫn là sự quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy, làm lại từ đầu của người sau cai.

Đa dạng các lớp đào tạo nghề dành cho học viên

Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 được đào tạo nghề, lao động trị liệu. Ảnh: Trần Oanh
Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 được đào tạo nghề, lao động trị liệu. Ảnh: Trần Oanh

TP Hà Nội có 7 cơ sở CNMT với tổng quy mô, công suất tiếp nhận tối đa 5.650 người. Dưới sự quản lý của Sở LĐTB&XH Hà Nội, các cơ sở CNMT thực hiện điều trị cắt cơn, giải độc… đặc biệt là tư vấn hướng nghiệp và mở các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho học viên. Tính từ năm 2019 đến nay, 7 cơ sở CNMT đã tổ chức dạy nghề cho 2.445 học viên, với các nghề điện, may công nghiệp, diện dân dụng, hàn, xây dựng dân dụng.

Thông tin về công tác dạy nghề cho học viên trong cơ sở CNMT, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho hay, hàng năm TP Hà Nội đều giao Sở LĐTB&XH Hà Nội các chỉ tiêu dạy nghề, được phân bổ đến 7 cơ sở CNMT trên cơ sở số đối tượng vào của từng năm. Các cơ sở CNMT có trách nhiệm phối hợp và lựa chọn những cơ sở dạy nghề phù hợp để tổ chức đào tạo nghề cho học viên. “Trong những năm qua, chúng tôi cũng đã hỗ trợ đào tạo dạy nghề cho học viên CNMT. Rất nhiều học viên sau khi kết thúc, với giấy chứng nhận học nghề đã tìm kiếm được việc làm để hòa nhập cộng đồng sớm” – ông Nguyễn Tây Nam nhấn mạnh.

Về phía lãnh đạo các cơ sở CNMT tổ chức các nghề đào tạo đa dạng, phù hợp với sức khỏe, mong muốn của học viên và khi họ trở về cộng đồng dễ kiếm việc làm như sửa chữa xe máy, điện dân dụng, hàn… Năm 2023, Cơ sở CNMT số 3 Hà Nội được Sở LĐTB&XH Hà Nội giao đào tạo nghề cho 130 học viên và đã tổ chức học các nghề cơ khí, hàn, may. Lãnh đạo đơn vị đã liên hệ với một số công ty để nhận sản phẩm về cho học viên làm, rèn luyện kỹ năng tay nghề.

Ngoài việc đào tạo nghề và tư vấn hướng nghiệp, Cơ sở CNMT số 3 Hà Nội còn tổ chức những buổi trang bị kiến thức giáo dục pháp luật, kỹ năng chống tái nghiện, giữ gìn sức khỏe để khi học viên trở về cộng đồng thì tiếp cận tốt hơn với công việc mà họ đang tham gia lao động trị liệu tại cơ sở. Đặc biệt, khi học viên trở về cộng đồng, Cơ sở còn liên hệ với từng xã, phường, thậm chí các tỉnh để gửi danh sách học viên và thông báo tình trạng sức khỏe, khả năng học, làm nghề để địa phương thuận tiện theo dõi, hỗ trợ hòa nhập…

Học viên được tạo việc làm, vay vốn khi trở về cộng đồng

Kết quả khảo sát 508 học viên đang điều trị tại Cơ sở CNMT số 6 Hà Nội về dạy nghề và việc làm cho thấy, có 41,7% học viên mong muốn chính quyền địa phương nơi cư trú quan tâm, tạo điều kiện cho vay vốn; 34,4% mong muốn được tạo việc làm khi trở về cộng đồng. Học viên N.Đ.T, cai nghiện tại Cơ sở CNMT số 6 Hà Nội chia sẻ: "Tại Cơ sở, tôi được học nghề điện dân dụng 3 tháng và đã có chứng chỉ sơ cấp nghề. Tôi muốn khi trở về cộng đồng được chính quyền địa phương giới thiệu công việc đúng với nghề đã học hoặc cho vay vốn mở cửa hàng sửa chữa điện để có tiền chăm lo cho bản thân và gia đình".

Phản hồi với các học viên về mong muốn được tạo điều kiện cho vay vốn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam TP Hà Nội Phạm Văn Quyết cho hay, hiện nay Hà Nội đang triển khai 17 chương trình tín dụng, trong đó có cho vay vốn giải quyết việc làm. Với chương trình này, khi học viên CNMT trở về cộng đồng được vay vốn để chăn nuôi, trồng trọt, mở cửa hàng sửa xe máy...

Hiện nay Chính phủ quy định lãi suất của chương trình này là 7,92%/năm, tức 0,66%/tháng. Thời hạn cho vay tùy theo mục đích kinh doanh hay làm gì. Ví dụ, thời hạn vay vốn chăn nuôi gà, nuôi lợn là 1 năm; vay vốn mở cửa hàng sửa xe máy trên 12 tháng; thời hạn vay vốn trồng cây ăn quả là trên 2 năm. Vay tín chấp dưới 100 triệu đồng không phải thế chấp tài sản, mà qua các tổ tiết kiệm vay vốn ở thôn, bản, tổ dân phố. Mức vay trên 100 triệu đồng đến 2 tỷ đồng được áp dụng đối với DN, hợp tác xã có vốn kinh doanh và tài sản thế chấp.

“Tôi hy vọng và mong muốn các học viên vay vốn ngân hàng hãy sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tạo được niềm tin cho gia đình, chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội” – ông Phạm Văn Quyết chia sẻ.

Tuy rằng hiện nay vẫn còn nhiều DN e dè không muốn tuyển dụng người sau cai vào làm việc do sợ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, dịch vụ. Nhưng có những công ty khi đã tiếp xúc và truyền nghề thì sẵn sàng đón nhận vào đào tạo nghề, bố trí việc làm. Đơn cử như nghệ nhân Phạm Duy Cương là chủ cơ sở gốm sứ Cương Duyên (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), ông Chung Quang Hùng – Giám đốc Công ty Ebisu Việt Nam...

“DN của tôi đã làm việc với Cơ sở CNMT số 6 Hà Nội khá lâu và nhận ra một điều là các học viên khá thông minh, có tay nghề tương đối tốt, hiểu được và làm tốt những công việc bên tôi giao. Vì thế, các học viên cứ tự tin vào khả năng, nghề nghiệp, sức khỏe thì sẽ từ bỏ được ma túy” – ông Chung Quang Hùng cho hay.

Chủ các cơ sở, DN lưu ý học viên khi ở trong Cơ sở CNMT đã có thái độ tốt rồi thì ra ngoài cố gắng có tác phong làm việc thật tốt. Điều đó cũng để chứng minh cho xã hội thấy người sau cai có thể trở thành người tốt, có ích cho gia đình, và xã hội.