Hà Nội đề ra 10 giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2015

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh gắn liền với tái cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh công tác quy hoạch, huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; phát triển hạ tầng đô thị và xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội;... Đây là những nhiệm vụ, giải pháp Hà Nội đề ra nhằm thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.

Báo cáo tại phiên khai mạc, kỳ họp thứ 11, HĐND TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định, năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Kinh tế thế giới dự báo sẽ phục hồi nhưng chậm và còn tiềm ẩn rủi ro, chưa vững chắc. Mục tiêu của cả nước đặt ra là “tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014” với tăng trưởng GDP là 6,2%. Dự báo kinh tế Thủ đô sẽ phục hồi nhưng chưa mạnh.
Hà Nội đề ra 10 giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 - Ảnh 1
Từ những yêu cầu trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cho biết, trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Hà Nội đặt ra những mục tiêu tổng quát như: Cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Huy động mọi nguồn lực, tập trung cao độ vượt qua mọi khó khăn, thách thức triển khai đồng bộ các giải pháp phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2015, trên cơ sở đó, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm 2011-2015, góp phần cùng cả nước tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014. Thực hiện tốt các mục tiêu an sinh - phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế. Triển khai quyết liệt công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, đô thị, đất đai, môi trường; tập trung đẩy nhanh tiến độ công trình trọng điểm; tiếp tục thực hiện có hiệu quả trật tự, văn minh đô thị. Tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục cải cách hành chính và đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Để thực hiện được những chỉ tiêu đề ra, UBND TP Hà Nội đề ra những nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh gắn liền với tái cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh công tác quy hoạch, huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; phát triển hạ tầng đô thị và xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội; chú trọng giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế; tăng cường quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, đô thị; quản lý tài nguyên và cải thiện chất lượng môi trường; đảm bảo quốc phòng thường xuyên; duy trì an ninh, trật tự xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện tiết kiệm; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phát động phong trào thi đua yêu nước.
Một số chỉ tiêu chủ yếu
Chỉ tiêu kinh tế
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn: 9,0-9,5%; trong đó, dịch vụ 9,8-10,5%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,7-9,0%, nông nghiệp tăng 2,0-2,5%;
2. GRDP bình quân đầu người: 75-77 triệu đồng;
3. Tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn: 11,0-12,0%;
4. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu: 8,0-9,0%;
Chỉ tiêu văn hóa - xã hội
1. Giảm tỷ suất sinh thô so với năm trước: 0,68%o;
2. Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước: 0,3%;
3. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng: 0,2%;
4. Số xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế tăng thêm: 03 đơn vị;
5. Giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm trước: 0,17%;
6. Tỷ lệ hộ dân cư được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa": 85%;
7. Tỷ lệ làng được công nhận danh hiệu "Làng văn hóa": 55%;
8. Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa": 65%;
9. Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm: 100;
Chỉ tiêu đô thị, nông thôn, môi trường
1. Tỷ lệ dân số thành thị dùng nước sạch: duy trì 100%;
2. Tỷ lệ dân số nông thôn dùng nước hợp vệ sinh: 99%; tỷ lệ dân số nông thôn dùng nước sạch: 40%;
3. Số xã được công nhận cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm: 55 xã (lũy kế đến hết năm 2015 có 155 xã);
4. Tỷ lệ rác thải thu gom và vận chuyển trong ngày: Khu vực đô thị: 98%; Khu vực nông thôn: 87%;
5. Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: duy trì 100%; tỷ lệ cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng: 35%.