Hà Nội: Đề xuất biện pháp phòng chống dịch Covid-19, phương án hoạt động của ngành LĐTBXH sau ngày 21/9

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 19/9, Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết đã có báo cáo UBND TP Hà Nội về kết quả thực hiện sau thời gian giãn cách xã hội và đề xuất các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phương án hoạt động sau ngày 21/9/2021.

Đến thời điểm hiện nay, TP Hà Nội đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, số ca mắc tại cộng đồng có xu hướng giảm và đã cơ bản hoàn thành xét nghiệm tầm soát diện rộng trên toàn địa bàn TP. Việc tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 bao phủ cơ bản toàn bộ đối tượng trong diện tiêm chủng.
Để thiết lập trạng thái bình thường mới trong điều kiện đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, Sở LĐTB&XH Hà Nội đề xuất UBND TP Hà Nội một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phương án hoạt động của ngành sau ngày 21/9/2021.
Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội, Giám đốc Ngân hành Chính sách xã hội TP Hà Nội cùng lãnh đạo quận Tây Hồ trao hỗ trợ cho các lao động tự do ngoại tỉnh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. 
Theo đó, các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm những biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo thông điệp 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo Y tế). Đồng thời, kiểm soát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại cơ quan, đơn vị như khai báo y tế bằng mã QR Code, các ứng dụng CNTT theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Thông tin và Truyền thông. Và, chỉ tổ chức hoạt động khi đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch bệnh.
Sở LĐTB&XH Hà Nội đề xuất với UBND TP Hà Nội điều chỉnh một số hoạt động thuộc lĩnh vực của ngành. Cụ thể, đối với các trung tâm đang quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng người có công, các đối tượng xã hội xây dựng phương án tiếp nhận đối tượng trở lại đơn vị. Trước mắt mới tiếp nhận các đối tượng ở các quận, huyện, thị xã ở mức bình thường mới theo thông báo của TP; có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày trước khi tiếp nhận.
 Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hà – Phó Trưởng Phòng Điều trị ngoại trú, Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội đang thăm khám và tư vấn cho các bệnh nhân điều trị bằng uống thuốc Methadone. 
Các cơ sở cai nghiện ma túy, triển khai thực hiện việc tiếp nhận các đối tượng nghiện ma túy vào theo chỉ đạo của UBND TP tại Công văn số 9666/VP-KGVX ngày 10/9/2021 từ ngày 22/9/2021. Trong quá trình tiếp nhận, các cơ sở đảm bảo thực hiện những biện pháp, quy định về công tác phòng, chống dịch Covid-19 như: Tổ chức xét nghiệm trước khi đưa người nghiện ma túy vào cơ sở, thực hiện nghiêm các quy định 5K.
Về công tác trực, các đơn vị có chức năng nuôi dưỡng đối tượng chủ động điều chỉnh ca trực phù hợp với tình hình dịch bệnh trên địa bàn thay cho phương án trực 14 ngày/ca như hiện nay; các trường hợp cán bộ sinh sống ở vùng đỏ, vùng cam khi trở lại cơ quan làm việc phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trong thời hạn 3 ngày.
Đối với các trường trung cấp nghề xây dựng phương án và chuẩn bị những điều kiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để đón học sinh trở lại trường. Bên cạnh đó đảm bảo các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối với cán bộ, giáo viên, học sinh trước khi trở lại học tập. Và, thực hiện nghiêm các quy định 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ban phục vụ lễ tang Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm việc tổ chức tang lễ kết hợp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; vận động người dân tổ chức hoạt động tang lễ đơn giản, rút ngắn thời gian và giảm số người tham gia, tổ chức các đoàn viếng không quá 3 người/đoàn.
Đối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trước mắt tiếp tục cung cấp thông tin thị trường lao động, kết nối việc làm bằng hình thức trực tuyến cho DN có nhu cầu tuyển dụng và người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Quận Hà Đông tặng quà cho trẻ em nhân dịp Tết Trung thu năm 2021. 
Thông tin về kết quả thực hiện sau thời gian giãn cách xã hội, Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, đến 15 giờ ngày 19/9, các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã thực hiện chính sách của Trung ương, đặc thù của TP Hà Nội và huy động xã hội hoá để quyết định hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 với tổng kinh phí 1.143,879 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-HĐND là 866,174 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định 277,704 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, đến nay trên địa bàn TP Hà Nội đã có 1,633 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được hỗ trợ 576,398 tỷ đồng.
Đối với 8 nhóm chính sách đặc thù của TP theo Nghị quyết 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND TP, đến nay, các địa phương đã rà soát và ra quyết định hỗ trợ cho 285.729 người, hộ kinh doanh với kinh phí phê duyệt 289,776 tỷ đồng; trong đó đã tổ chức chi trả cho 285.000 đối tượng số tiền 288,31 tỷ đồng.
TP Hà Nội đã hỗ trợ cho 3.431 hộ nghèo không có người trong hộ tham gia thị trường lao động, gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 với 3.431 suất quà là nhu yếu phẩm trị giá 3,431 tỷ đồng.
Ngoài ra, với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, các tổ chức chính trị, xã hội và chính quyền các địa phương đã hỗ trợ người dân trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Đến cuối ngày 19/9 đã có 980.548 lượt người, hộ gia đình còn khó khăn trên địa bàn được hỗ trợ 274,273 tỷ đồng để ổn định cuộc sống.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần