Theo dự thảo, nghị quyết này áp dụng đối với giáo viên, học sinh, học viên các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên thuộc TP và hướng đến năm đối tượng.
Thứ nhất, học sinh, học viên đoạt huy chương (Vàng, Bạc, Đồng), giải Khuyến khích, giải Chuyên đề và các giải theo cơ cấu giải thưởng trong các kỳ thi quốc tế, khu vực được Bộ GD&ĐT cử tham dự.
Thứ hai, học sinh, học viên đoạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích, giải chuyên đề và các giải theo cơ cấu giải thưởng trong các kỳ thi quốc gia do Sở GD&ĐT Hà Nội cử tham dự.
Thứ ba, học sinh, học viên đoạt giải Nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp TP
Thứ tư, học sinh đoạt giải tại Chung kết Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
Thứ năm, giáo viên có thành tích đào tạo, bồi dưỡng học sinh, học viên đoạt giải cấp quốc gia, khu vực, quốc tế và giải Nhất cấp TP như trên.
Dự thảo đề xuất các mức thưởng tương ứng với thành tích của các học sinh, học sinh và giáo viên đạt được.
Cụ thể: mức thưởng đối với học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế và tương đương do Bộ GD&ĐT cử tham dự sẽ từ 100 – 250 triệu đồng; mức thưởng dành cho học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi Olympic khu vực các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật khu vực và tương đương do Bộ GD&ĐT cử tham dự từ 50 - 150 triệu đồng; mức thưởng học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức từ 20 – 50 triệu đồng; mức thưởng học sinh, học viên đoạt giải Nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp TP từ 10 – 15 triệu đồng; mức thưởng học sinh đoạt giải tại Chung kết Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức từ 20 – 50 triệu đồng.
Dự thảo đề xuất mức thưởng với đội, nhóm học sinh, học viên (từ 2 thành viên trở lên) đoạt giải trong các kỳ thi quy định như trên được hưởng mức tiền gấp 2 lần đối với cá nhân. Học sinh, học viên là người dân tộc thiểu số hoặc là người khuyết tật đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế, khu vực, quốc gia, thành phố được hưởng 1,5 lần mức chi quy định. Trường hợp học sinh, học viên vừa là người dân tộc thiểu số vừa là người khuyết tật đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế, khu vực, quốc gia, thành phố được hưởng 2 lần mức tiền thưởng quy định.
Về mức thưởng đối với giáo viên, dự thảo đề xuất: giáo viên trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng học sinh, học viên đoạt giải được hưởng theo nguyên tắc bằng 70% mức thưởng của học sinh, học viên. Tập thể các giáo viên cùng tham gia đào tạo, bồi dưỡng học sinh, học viên được hưởng theo nguyên tắc bằng 30% mức thưởng của giáo viên trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng học sinh, học viên đoạt giải.
Theo quy định của Chính phủ, học sinh giành huy chương (Vàng, Bạc, Đồng) tại kỳ thi Olympic quốc tế được thưởng từ 25 - 55 triệu đồng. Mức thưởng cho giải quốc gia tối đa 4 triệu đồng. Ngoài khoản này, nhiều tỉnh, thành quy định mức thưởng riêng.
Trong 63 địa phương, Quảng Ninh chi thưởng cao nhất - 700 triệu đồng cho học sinh giành Huy chương Vàng Olympic quốc tế; tiếp đó là Hải Phòng, Bắc Ninh với mức thưởng 500 triệu đồng; Vĩnh Phúc thưởng 400 triệu đồng. Các tỉnh, thành có mức thưởng lên đến trăm triệu gồm: Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Thái Bình...
Với các kỳ thi cấp quốc gia, Kiên Giang dẫn đầu với mức thưởng 100 triệu đồng cho giải Nhất. Tiếp đó là Quảng Nam - 65 triệu. Nhiều nơi chi 40 - 50 triệu như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh.... Các địa phương khác, mức thưởng phổ biến là 10 - 20 triệu đồng.
Tại Hà Nội - địa phương luôn dẫn đầu số học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế của cả nước, hiện mức thưởng cho học sinh, giáo viên đạt thành tích cao còn rất khiêm tốn. TP đang áp dụng mức thưởng cho học sinh đạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế là 20 triệu đồng; giáo viên có thành tích trong công tác chỉ đạo, tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng học sinh đạt giải có mức thưởng bằng 1 lần mức lương cơ sở.
Như vậy, mức thưởng đề xuất theo nghị quyết nêu trên sẽ gấp hơn 12 lần mức thưởng hiện tại của Hà Nội với nhóm học sinh, giáo viên đạt thành tích xuất sắc.