Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - chiến thắng của bản lĩnh Việt Nam

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/12, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Huyện đoàn, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng, phối hợp tổ chức Chương trình Giao lưu – truyên truyền kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (18/12/1972 – 18/12/2022).

Tới dự có Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội - đại tá Nguyễn Xuân Hà; Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng Lê Văn Thìn.

Chương trình có sự tham dự của gần 400 đại biểu là hội viên cựu chiến binh, hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên và đặc biệt 39 cựu chiến binh huyện Đan Phượng trực tiếp chiến đấu trong 12 ngày đêm lịch sử tháng 12/1972.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội - đại tá Nguyễn Xuân Hà; Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng Lê Văn Thìn tặng hoa cho các cựu chiến binh tham gia giao lưu tại chương trình.
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội - đại tá Nguyễn Xuân Hà; Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng Lê Văn Thìn tặng hoa cho các cựu chiến binh tham gia giao lưu tại chương trình.

Chiến thắng của niềm tin, sự lãnh đạo đúng đắn

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, góp phần làm thất bại ý đồ hủy diệt Hà Nội của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng Lê Văn Thìn và các đại biểu tham quan triển lãm ảnh 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng Lê Văn Thìn và các đại biểu tham quan triển lãm ảnh 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

Tại chương trình, các đại biểu cùng ôn lại Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và thêm tự hào về những chiến công 12 ngày đêm oanh liệt cũng như truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Đặc biệt, tại chương trình, các đại biểu đã giao lưu với cựu chiến binh trực tiếp chiến đấu với không quân Mỹ trên bầu trời của Hà Nội 12 ngày đêm năm 1972, đó là: Ông Trần Duy Thi (sinh năm 1943), cựu chiến binh xã Liên Hồng; ông Ngô Văn Khiết (sinh năm 1954), cựu chiến binh xã Tân Hội và ông Nguyễn Ngọc Khang (sinh năm 1954), cựu chiến binh xã Hồng Hà.

Các đại biểu giao lưu tại chương trình.
Các đại biểu giao lưu tại chương trình.

Chia sẻ tại buổi giao lưu, ông Trần Duy Thi cho biết, đơn vị ông được giao nhiệm vụ bảo vệ khu vực Tây Nam sân bay Đa Phúc. 20 giờ 13 phút ngày 18/12/1972, ông Thi và đồng đội nhận được lệnh Mỹ đánh vào Hà Nội, Hải Phòng với nhiều máy bay bảo vệ “pháo đài bay B52”.

“Máy bay Mỹ bổ nhào từng đợt, cắt bom xuống Hà Nội. Bên dưới trận địa, đạn của ta ngang dọc trên bầu trời như sao sa. Ngay trong tối 21/12, đơn vị của tôi đã bắn hạ một chiếc máy bay, sau đó chiếc này rơi tại cánh đồng Lạc Vệ (thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh hiện nay)” - ông Trần Duy Thi kể lại.

Tiết mục văn nghệ tại chương trình.
Tiết mục văn nghệ tại chương trình.

Còn với cựu chiến binh Ngô Văn Khiết, đơn vị của ông được thông báo khá sớm về khả năng Mỹ tấn công ra miền Bắc nên có sự chuẩn bị kỹ càng. Mỹ mang tới Hà Nội “pháo đài bay B52”, một loại vũ khí tối tân lúc bấy giờ và trên thế giới chưa từng có ai bắn hạ được. “Pháo đài bay B52 có thể mang tới 32 tấn bom, bay liên tục hơn 14.000km không phải tiếp nhiên liệu nên được gọi là “ngáo ộp” lúc bấy giờ” - ông Khiết kể lại.

Trong khi đó, vũ khí của bộ đội ta còn thô sơ, thiếu thốn, chủ yếu là tên lửa SAM-2 do Liên Xô viện trợ, máy bay MiG 21 và một số trận địa phòng không. “Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng chúng ta vẫn giành thắng lợi vẻ vang. Đó là do sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng cũng như bản lĩnh, ý chí kiên cường của quân và dân ta” – cựu chiến binh Ngô Văn Khiết quả quyết.

Các cựu chiến binh và học sinh huyện Đan Phượng tham quan triển lãm ảnh về chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Các cựu chiến binh và học sinh huyện Đan Phượng tham quan triển lãm ảnh về chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Truyền lửa cho thế hệ trẻ

Trong 12 ngày đêm khói lửa, ông Nguyễn Ngọc Khang, cựu chiến binh xã Hồng Hà khi đó làm nhiệm vụ tại sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), bảo vệ an toàn cho sân bay để các phi công cất, hạ cánh. Với ông Khang, chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” có ý nghĩa vô cùng đặc biệt bởi không lâu sau đó (ngày 19/1/1973) ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cũng trong tháng này, ông còn vinh dự được cử đi dự Đại hội thi đua toàn Quân chủng, được khen thưởng “Hành động dũng cảm trong chiến đấu và bảo vệ chiến đấu”. Trân trọng giá trị lịch sử, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Khang gửi gắm tới thế hệ thanh niên huyện Đan Phượng, được sinh ra trong thời bình, hưởng môi trường giáo dục hiện đại cần phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất của địa phương, noi gương thế hệ cha ông đi trước ra sức học tập, luyện rèn, phát triển kinh tế.

Đoàn viên thanh niên huyện Đan Phượng tham quan triển lãm ảnh về chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Đoàn viên thanh niên huyện Đan Phượng tham quan triển lãm ảnh về chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

“Mỗi thanh niên cần phấn đấu góp sức hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đan Phượng lần thứ XXIV, đưa Đan Phượng trở thành quận của Hà Nội” - cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Khang nhắn nhủ tới các thanh niên, học sinh huyện nhà dự chương trình.

Trong khuôn khổ chương trình, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng còn tổ chức trưng bày 40 bức ảnh tuyên truyền về 12 ngày đêm lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” tại Hà Nội. Mỗi bức ảnh đều gợi lên những ký ức hào hùng của quân, dân ta đã làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Những ký ức khó quên của cựu chiến binh huyện Đan Phượng.
Những ký ức khó quên của cựu chiến binh huyện Đan Phượng.

Nội dung triển lãm thu hút đông đảo đại biểu, người dân đến xem. Em Phùng Ngọc Quỳnh, học sinh lớp 10A6, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đan Phượng chia sẻ: “Sau khi được nghe những câu chuyện của các bác cựu chiến binh kể về 12 ngày đêm khói lửa và xem các bức ảnh tư liệu, em biết thêm nhiều giá trị quý báu của lịch sử Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung. Qua đó, em càng tự nhủ phải phấn đấu học tập, rèn luyện đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hội nhập sâu với quốc tế”.