Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Diện mạo huyện Mê Linh thay đổi ra sao sau 10 năm xây dựng nông thôn mới?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/10, đoàn thẩm định TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Mê Linh. Đây là một trong 5 huyện của Hà Nội phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2021.

Bám sát Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, huyện Mê Linh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, ban ngành và toàn thể Nhân dân, việc triển khai Chương trình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện có 16/16 xã được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn. Địa phương cũng đã đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo quy định tại Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Giai đoạn 2010 – 2020, huyện Mê Linh đã đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo tổng số 433km đường giao thông. Các tuyến đường được cắm biển báo an toàn giao thông, trồng cây xanh bóng mát. Công tác giải toả lấn chiếm lòng, lề đường được thực hiện thường xuyên...
Công tác giáo dục được huyện Mê Linh hết sức quan tâm, chăm lo. Đến nay, toàn huyện có 56/72 trường công lập trực thuộc đạt chuẩn Quốc gia. Dự kiến đến hết năm 2021, có 60/72 trường đạt chuẩn Quốc gia. 16/16 xã đạt phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn xoá mù chữ cấp độ 2, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương đạt 95,53%.
Đời sống văn hoá tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng mới 20 nhà văn hoá, khu thể thao với số tiền gần 66 tỷ đồng; nâng cấp, cải tạo 6 nhà văn hoá với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Hệ thống thiết chế văn hoá xã, thôn luôn phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sinh hoạt văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao…
Kinh tế nông thôn tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh góp phần mang lại sinh kế cho người dân. Nhiều mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được xây dựng, nhân rộng, mang lại giá trị cao và thu nhập bền vững cho người nông dân. Toàn huyện đã phát triển được tổng số 35 sản phẩm OCOP, cùng nhiều nông sản tiêu chuẩn an toàn, VietGAP…
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đầu năm 2021 đạt 51,6 triệu đồng/năm. Toàn huyện chỉ còn duy nhất 1 hộ nghèo và không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách xã hội, người có công. Hiện, không còn hộ gia đình phải ở nhà tạm, nhà ở dột nát.
Tỷ lệ các hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. 16/16 xã trên địa bàn huyện đã được Công ty CP nước sạch số 2 và Công ty CP cấp nước Mê Linh đầu tư hệ thống cấp nước. Tỷ lệ cấp nước từ công trình cấp nước tập trung trên địa bàn huyện đạt 84%. Huyện phấn đấu hết năm 2021, có ít nhất 75% số hộ dân sử dụng nước sạch.
Thành quả đến nay của huyện Mê Linh đạt được một phần quan trọng là nhờ nguồn lực đầu tư lớn của TP Hà Nội và đóng góp từ nguồn xã hội hoá. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã huy động đợc hơn 4.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nguồn vốn từ Nhân dân gần 121 tỷ đồng. Qua rà soát, huyện không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Với những kết quả đạt được, đoàn thẩm định TP Hà Nội chấp thuận huyện Mê Linh đã đủ điều kiện gửi hồ sơ lên UBND TP Hà Nội xem xét, trình Hội đồng thẩm định nông thôn mới Trung ương đánh giá, đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận về đích năm 2021. Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong giai đoạn 2021 – 2025, huyện phấn đấu tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí huyện nông thôn mới, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, hướng tới phát triển nông thôn bền vững. Phát triển kinh tế, hạ tầng xã hội hiện đại, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá làng quê. Nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.