Cùng tham dự có Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể TP Hà Nội, huyện Đông Anh, đại diện UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP có khu công nghiệp đang hoạt động.
Báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, từ đầu năm đến nay, huyện ghi nhận 408 ca mắc Covid-19, ở 20/24 xã, thị trấn. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của đông đảo quần chúng Nhân dân, hiện không còn ca bệnh nào đang phải điều trị.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra hệ thống cơ sở vật chất của trạm y tế lưu động. |
Tuy nhiên, trên địa bàn có Khu công nghiệp Thăng Long với hơn 58.000 công nhân lao động, là khu vực nguy cơ lây nhiễm cao do nhiều lao động đến từ các tỉnh, thành trong cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, 24/24 xã, thị trấn của huyện đã triển khai thực hiện xây dựng nơi cư trú an toàn, huyện cũng tổ chức 26 đợt tiêm vaccine phòng Covid-19. Tổng số người dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn được tiêm ít nhất 1 mũi đạt 70,7%. Công tác đảm bảo an sinh xã hội thực hiện kịp thời theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 15/NQ-HĐND, với tổng số 50.021 đối tượng được hỗ trợ, tổng kinh phí 34.465.358.000 đồng.
“Hiện nay, trên địa bàn TP vẫn xuất hiện những ca nhiễm mới, tình hình dịch bệnh hết sức phức tạp nên huyện coi công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ cấp bách. Thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo, không chủ quan, mất kiểm soát. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý địa bàn, nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, kiểm tra, giám sát các đơn vị trong quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch. Đồng thời đẩy nhanh thực hiện tiêm vaccine và thực hiện giải pháp hỗ trợ những người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19” - ông Nguyễn Xuân Linh cho hay.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi diễn tập, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao công tác chỉ đạo, lãnh đạo của huyện Đông Anh, sự ủng hộ từ doanh nghiệp và đông đảo quần chúng Nhân dân, nên huyện đã nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh. Cùng với đó những sáng kiến, như: Khoanh vùng 3 lớp, xét nghiệm diện hẹp hay truy vết F0 diện rộng... huyện Đông Anh được xem là điển hình, đặc biệt là việc kiểm soát dịch trong khu công nghiệp rất thành công.
Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT, TP Hà Nội sẽ chuyển sang một giai đoạn mới thích ứng, an toàn, linh hoạt, hiệu quả với tình hình dịch bệnh. Vì vậy, TP Hà Nội phải triển khai mô hình trạm y tế cấp cơ sở chuyển sang trạng thái hoạt động lưu động, đặt tại các khu công nghiệp, khu dân cư, việc này do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định, hoạt động như một trạm y tế bình thường, phải đáp ứng đầy đủ vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh theo điều kiện thực tế của từng khu dân cư.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu lãnh đạo Ban Quản lý khu công nghiệp, chế xuất Hà Nội và các địa phương có khu công nghiệp xây dựng phương án, ra quyết định thành lập trạm y tế lưu động như huyện Đông Anh. Đây là việc làm hết sức quan trọng thời điểm này và cũng chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương có khu công nghiệp phải chịu trách nhiệm trước TP, rà soát lại phương án phòng, chống dịch để thực hiện thành lập trạm y tế lưu động.
Liên đoàn Lao động TP Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý khu công nghiệp, chế xuất thành lập, duy trì tổ Covid an toàn trong từng doanh nghiệp với Chủ tịch và Ban chấp hành công đoàn là nòng cốt; cơ sở thực hiện những giải pháp trong thời kỳ mới, là: Thích ứng, an toàn, linh hoạt, hiệu quả.
“Đối với các xã, phường của Hà Nội, yêu cầu Sở Y tế tham mưu để có hướng dẫn cụ thể, trên cơ sở Quyết định 4042/QĐ-BYT về việc thành lập trạm y tế lưu động. Yêu cầu 579 xã, phường của Thủ đô Hà Nội đều phải có bình ô xy dự trữ, đây là phương án cần thiết để ứng phó với dịch Covid-19 trong tình hình mới” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.