Hà Nội: Điều chỉnh cơ chế tài chính các trường chất lượng cao

D. Tùng - Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 6/12, HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND, ngày 17/7/2013 của HĐND TP về “Cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô”.

Theo Nghị quyết, mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao được điều chỉnh cùng với việc xây dựng định mức phân bổ ngân sách và thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định. Theo đó, đối với trường mầm non, tiểu học năm học 2016 - 2017 là 3.900.000 đồng/học sinh/tháng, mỗi năm học tăng thêm 40.000, đến năm học 2019 - 2020 là 5.100.000 đồng/học sinh/tháng.

Bậc THCS, THPT năm học 2016 - 2017 là 4.100.000 đồng/học sinh/tháng, mỗi năm học tăng thêm 40.000, đến năm học 2019 - 2020 là 5.300.000 đồng/học sinh/tháng.

Đồng thời, điều chỉnh thời gian ngân sách hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao như: Được cấp kinh phí trong 3 năm (trừ các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên) kể từ khi được công nhận theo lộ trình giảm dần…
 Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hữu Độ 
Trước đó, theo tờ trình của UBND TP do Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trình bày cho thấy, Luật Thủ đô được thông qua trở thành căn cứ pháp lý chính thức cho việc triển khai mô hình trường chất lượng cao tại Thủ đô. Các trường chất lượng cao đầu tiên được công nhận là một mô hình trường học hiện đặi, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh trong bối cảnh hội nhập.

Sau một thời gian triển khai, mô hình này bước đầu đã được nhân rộng, nhận được sự ủng hộ của cộng đồng xã hội, sự tin tưởng của phụ huynh học sinh và đang từng bước khẳng định tính hiệu quả của mô hình.

Các trường được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đạt tiêu chí về cơ sở vật chất theo quy định, trang thiết bị đồ dùng dạy và học được phát huy hiệu quả... đã đáp ứng một phần nhu cầu học tập và hoạt động chăm sóc, giáo dục học sinh. Từ sự thay đổi về cơ sở vật chất, các trường đã có điều kiện áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến giúp việc nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.

Ngoài ra ở mô hình trường chất lượng cao số học sinh trên lớp giảm, học sinh được chăm sóc, giáo dục, thụ hưởng các dịch vụ giáo dục chất lượng cao phụ huynh đăng ký, được chăm sóc giáo dục trong môi trường có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại.

Tăng cường các hoạt động trải nghiệm khám phá, thăm quan, dã ngoại, rèn kỹ năng hoạt động nhóm, kỹ năng sống, phát triển tính độc lập, tích cực, sáng tạo; học sinh được tiếp nhận phương pháp dạy và học tiên tiến, tự chủ trong phương pháp học, biết khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin, linh hoạt và sáng tạo trong tự học...

Tuy nhiên, do các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao được ngân sách hỗ trợ một lần kinh phí vào năm đầu thực hiện chuyển đổi từ năm thứ 2 (hai) trở đi đơn vị phải tự chủ về thu chi tài chính, đây là khó khăn đối với các trường trong giai đoạn đầu được công nhận.
 
Sau một năm được công nhận, nhiều trường vẫn chưa đủ thời gian để khẳng định chất lượng giáo dục, thương hiệu của trường để phụ huynh tin tưởng đóng mức học phí cao. Thêm vào đó tâm lý của cha mẹ học sinh vẫn quen được sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi cho con theo học tại các trường công lập. Vì vậy mức học phí tăng nhanh sẽ gây bất an cho phụ huynh vừa khiến nhà trường khó phát triển ổn định.

Khi đơn vị được công nhận chất lượng cao, nhà nước chỉ đầu tư cơ sở vật chất ban đầu. Các đơn vị tổ chức thực hiện trích khấu hao tài sản cố định theo chế độ doanh nghiệp (nguồn kinh phí này để sửa chữa tài sản, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà nước đã đầu tư ban đầu). Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao chưa thực hiện trích khấu hao tài sản cố định do nếu tính thêm chi phí khấu hao tài sản cố định sẽ dẫn đến mức thu học phí tăng cao, điều này gây khó khăn cho các nhà trường.

Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố Hà Nội cho thấy, hiện tại trên toàn Thành phố có 8 trường công lập chất lượng cao, trong đó, 2 trường có mức thu học phí đạt mức trần theo quy định tại Nghị quyết số 15 (trường Mầm non 20-10 thu 3.200.000đ/tháng, trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa thu 3.400.000đ/tháng); 6 trường còn lại mức thu học phí đạt từ 53% đến 83% mức trần quy định tại Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố thống nhất nâng mức trần theo nội dung trình của UBND Thành phố với lý do sau: Kế thừa mức trần tăng theo Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND (năm học sau tăng hơn so năm học trước là 10%, trong đó do tăng tiền lương tối thiểu của nhà nước quy định dự kiến tăng 7% mỗi năm, dẫn đến làm tăng quỹ tiền lương và thu nhập tăng thêm).

Nếu không nâng mức trần thì mức thu của đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên (các trường không được ngân sách cấp kinh phí) sẽ không đảm bảo đủ chi phí cho hoạt động của trường công lập chất lượng cao. Mặt khác mức trần học phí của các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao thấp hơn mức thu đang thực hiện của các trường ngoài công lập chất lượng cao.

Chiều cùng ngày, HĐND TP cũng thông qua Nghị quyết về “Một số giải pháp tăng cường công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn TP” với 6 giải pháp để giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số…