Đây là nỗ lực của các y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn, giúp các bệnh viện của Thủ đô có thêm kinh nghiệm chữa trị những trường hợp bệnh nhân Covid-19 có hội chứng cơn bão Cytokine, tức là viêm toàn thân cấp tính do hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với virus SARS-CoV-2.
Sau 50 ngày chiến đấu với Covid-19, từng rơi vào tình trạng nguy kịch, phải can thiệp, chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo), ngày 17/9, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh nhân H.V.N. (48 tuổi, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã được xuất viện. Đây cũng là bệnh nhân đầu tiên tại bệnh viện trực thuộc ngành y tế Thủ đô được triển khai kỹ thuật ECMO thành công.
Cách đây 2 tháng, trong gia đình anh N. có người nhiễm Covid-19. Sau đó, anh N được đưa đến khu cách ly tập trung tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đến ngày thứ 12 ở trong khu cách ly, anh sốt cao 39-40 độ C. Kết quả xét nghiệm cho thấy, anh N dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó, anh N được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đống Đa để điều trị. Tuy nhiên, do diễn biến bệnh có dấu hiệu nặng, bệnh nhân được đưa về Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn.
Khi được chuyển đến Bệnh viện Thanh Nhàn, dù không có bệnh nền nhưng anh N rơi vào tình trạng khó thở, suy hô hấp, không đáp ứng thở máy xâm nhập. Hình ảnh chụp CT cho thấy, bệnh nhân bị đông đặc 2 phổi, phổi tổn thương tới 80%. Nếu không can thiệp ECMO, bệnh nhân khó có thể qua khỏi. Sau khi hội chẩn, bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn đã quyết định can thiệp ECMO để cứu sống bệnh nhân.
Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, ECMO là một kỹ thuật khó, phức tạp và cũng là "cánh cửa" cuối cùng để có thể cứu sống bệnh nhân. Đây là bệnh nhân Covid-19 đầu tiên được bệnh viện sử dụng kỹ thuật ECMO.
“Chúng tôi đã nhận được sự tư vấn chuyên môn của các bác sĩ bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Bạch Mai... Rất may mắn, bệnh nhân đã đáp ứng điều trị, hồi phục và được xuất viện. Thành công này có được là nhờ sự nỗ lực hết mình của chính bệnh nhân cũng như của các "chiến sĩ áo trắng", không chỉ là niềm vui cho người bệnh, mà còn là niềm hạnh phúc của đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Thanh Nhàn" - Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn chia sẻ.
Tính đến ngày 17/9, Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận 604 trường hợp F0, trong đó có 140 ca nặng từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên. Đa phần các trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 là người lớn tuổi, có bệnh lý nền.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho hay, các trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 phải can thiệp ECMO thành công rất thấp. Đây là ca bệnh đầu tiên của Bệnh viện Thanh Nhàn can thiệp ECMO thành công cứu sống được người bệnh trở về cuộc sống bình thường và cũng là thành quả lớn của đội ngũ ngành y.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, TP đã chuẩn bị sẵn sàng mọi kế hoạch cho các trường hợp mắc Covid-19 chuyển biến nặng. Hiện số ca bệnh nặng của Hà Nội phải điều trị tại tầng 3 - tầng cuối của tháp điều trị chỉ chiếm 5-6%. Hiện tại, TP đã kích hoạt 2 bệnh viện ở tầng 3 để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.
Qua ca bệnh mắc COVID-19 nặng phải can thiệp ECMO, ông Hưng cũng khẳng định Hà Nội đã chuẩn bị sãn sàng mọi kế hoạch cho các trường hợp mắc COVID-19 chuyển biến nặng. Hiện nay, số ca bệnh nặng phải điệu trị tại tầng 3 của thành phố chỉ chiếm 5-6%. Hiện tại, thành phố đã kích hoạt 2 bệnh viện ở tầng 3 để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.