Thêm sản phẩm mới
Ngay sau khi TP Hà Nội nới lỏng hoạt động giãn cách xã hội, từ giữa tháng 10/2021 đến nay doanh nghiệp du lịch đã tung ra thị trường nhiều sản phẩm mới.
Cuối tháng 10 vừa qua, Công ty Lữ hành Hanoitourist khai trương tour “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, qua đó du khách khám phá giá trị lịch sử kiến trúc pha trộn giữa 2 nền văn hóa Pháp - Việt Nam gắn với những sự kiện lịch sử của Thủ đô.
Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng chia sẻ, tour du lịch “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” là trải nghiệm độc đáo, nâng tầm giá trị sản phẩm du lịch, làm cho khách cảm thấy rõ nét hơn về Hà Nội xưa và nay. Nhằm kích cầu du lịch nội đô, thu hút du khách tham quan, hiện tour du lịch “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” được tổ chức vào thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần với mức giá chỉ 75.000 đồng/khách.
Không chịu thua kém, trong tháng 11/2021, CLB Du lịch bền vững VGreen (Hội Lữ hành Hà Nội) cũng đã ra mắt chùm tour khám phá Hà Nội bằng xe đạp "VGreen bike tour - Tinh hoa Tràng An" với thời gian 1 ngày.
Du khách tham gia tour sẽ được khám phá các con đường nổi tiếng của Hà Nội tại khu vực hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, tìm hiểu đời sống các phố nghề Hà Nội tại khu phố cổ, thăm di sản văn hóa, kiến trúc của Hà Nội. Bên cạnh tour "Tinh hoa Tràng An", CLB còn ra mắt chùm tour khám phá Hà Nội bằng xe đạp như tour "Thăng Long - Tứ Trấn" với thời gian 1 ngày, tour Ba Vì - Làng cổ Đường Lâm, tour làng gốm Bát Tràng ...
Ngoài ra, CLB Lữ hành VGreen cũng giới thiệu 13 sản phẩm tour xe đạp khởi hành từ Hà Nội khám phá Ninh Bình, Nam Định, Hòa Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang… Giám đốc Công ty Du lịch VietFoot Travel (đơn vị xây dựng sản phẩm du lịch bằng xe đạp) Phạm Duy Nghĩa thông tin, hiện doanh nghiệp tổ chức chương trình kích cầu du lịch an toàn với sản phẩm tour du lịch “Trải nghiệm chuyến đò ngang và khám phá thành Cổ Loa”.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch (HPA) Hà Nội Bùi Duy Quang cho biết, để mang đến “làn gió mới” cho du lịch Hà Nội, HPA phối hợp với Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, Công ty Lữ hành Hanoitourist xây dựng sản phẩm trải nghiệm phố cổ với những di tích lịch sử, văn hóa… bằng phương tiện xe điện.
Việc doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh khai thác các điểm di tích văn hóa, lịch sử từ đó xây dựng tour du lịch đã góp phần thu hút du khách. Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho thấy tháng 11/2021 ngành du lịch đã đón 300.000 lượt khách du lịch. Một số bảo tàng, công viên, khu sinh thái, nghỉ dưỡng du lịch như: Công viên Thủ Lệ đã đón khoảng 18.000 lượt khách tham quan, Bảo tàng Dân tộc học đón khoảng 1.000 lượt khách, khu Tản Đà đón khoảng 1.000 lượt khách tham quan.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Theo các chuyên gia du lịch, mặc dù doanh nghiệp đã đẩy mạnh xây dựng tour mới nhưng đa phần hệ thống sản phẩm du lịch, dịch vụ Hà Nội không theo kịp thực tế, cần phải đầu tư nâng cấp chất lượng tour và dịch vụ.
Tại hội thảo "Đánh giá kết quả phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo" do Sở Du lịch Hà Nội vừa tổ chức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan nêu rõ, chất lượng dịch vụ du lịch tại một số điểm đến của TP Hà Nội chưa cao, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chưa đồng bộ. Hà Nội đang tập trung khai thác tiềm năng du lịch khu vực trung tâm, chưa chú trọng tới khu vực ngoại thành, tạo ra sự mất cân đối trong phát triển hệ thống sản phẩm du lịch và dịch vụ.
Để khắc phục yếu điểm này, Phó Chủ tịch Ban Cố vấn Hiệp hội Du lịch Việt Nam Trương Minh Tiến gợi ý, từ nay đến 2025 và tiếp theo, du lịch Hà Nội cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ tầng cơ sở theo hướng tận dụng lợi thế di sản văn hóa, từ đó lựa chọn, đầu tư phát triển sản phẩm đặc trưng.
Trong khi đó, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam Hoàng Nhân Chính cho rằng, bên cạnh việc cơ cấu lại sản phẩm, ngành du lịch Hà Nội cần phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý điểm đến phù hợp với xu hướng du lịch mới. “Ngoài xây dựng các sản phẩm du lịch mới, cần nâng cao chất lượng dịch vụ những sản phẩm quen thuộc để tạo sự mới lạ cho du khách” - ông Hoàng Nhân Chính nói.
Ở vai trò doanh nghiệp, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng cho rằng, để ngành du lịch Hà Nội phục hồi, thời gian tới các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội xu hướng tiêu dùng của du khách tăng sau đợt giãn cách, theo hướng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm để du khách có thêm cơ hội chi tiêu, không nên khuyến khích giảm giá tour.
Để phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian tới ngành du lịch Hà Nội sẽ đổi mới cách khai thác theo hướng hình thành cụm du lịch trọng điểm theo từng khu vực nhất định. Cụ thể, cụm du lịch trung tâm Hà Nội (phát triển du lịch văn hóa, di sản, ẩm thực); cụm du lịch vùng ven đô (du lịch kết hợp hội nghị, du lịch thể thao, giải trí); cụm du lịch vùng ngoại thành Hà Nội (phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái...).
Xu hướng du lịch của du khách thay đổi đã đặt ra yêu cầu ngành du lịch Thủ đô cần đổi mới theo hướng ngành dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp, có chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao.
Trong giai đoạn tới, du lịch Hà Nội cần tập trung vào các nhóm giải pháp để đáp ứng tiêu chí du lịch Thủ đô an toàn, thân thiện, hấp dẫn, bao gồm tạo ra sản phẩm mới, làm mới các sản phẩm đã có, đồng thời cần khai thác giá trị văn hóa tạo ra những sản phẩm đặc sắc, mang tính đặc thù văn hóa Thủ đô. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch tới những thị trường tiềm năng, phát huy các loại hình sẵn có như du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch ẩm thực... Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh |