Hội nghị được tổ chức cho thấy quyết tâm của UBND TP Hà Nội trong việc kêu gọi đầu tư nước ngoài và đồng hành cùng DN, sớm ổn định sản xuất, kinh doanh.
Dòng vốn FDI chững lại
Trong nhiều năm qua, Hà Nội vẫn là một trong những địa phương đi đầu về thu hút FDI trong cả nước. Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, năm 2020, Hà Nội thu hút 3,83 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước. Cụ thể, TP cấp mới 517 dự án, vốn 895 triệu USD; điều chỉnh 169 dự án có tổng vốn tăng thêm 1.333,6 triệu USD; chấp thuận 775 hồ sơ trong DN FDI với tổng vốn đăng ký 1.611 triệu USD. Khối DN FDI đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, với trên 10% số thu ngân sách. Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, các DN FDI đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 350.000 người với thu nhập bình quân 12,7 triệu đồng/người/tháng (cao hơn mức bình quân chung cả nước).
|
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam - Khu công nghiệp Quang Minh - Hà Hội. Ảnh: Phạm Hùng |
9 tháng năm 2021, Hà Nội đã trải qua 2 giai đoạn phòng, chống dịch, trong đó căng thẳng nhất là 4 đợt giãn cách nghiêm ngặt, kéo dài từ cuối tháng 7. Sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực đã bị đình trệ. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khả năng thu hút vốn FDI của Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong 9 tháng năm 2021, TP Hà Nội đã thu hút 922 triệu USD vốn FDI. Trong đó, vốn đăng ký các dự án thành lập mới và dự án bổ sung tăng vốn ước đạt 650 triệu USD, trong đó đăng ký mới 242 dự án với số vốn đạt 159,5 triệu USD; 85 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 491,5 triệu USD. Sở KH&ĐT Hà Nội nhận định, đại dịch Covid-19 đã tác động tới tình hình đầu tư nước ngoài tại Hà Nội. Việc vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài còn những trở ngại nhất định do yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Nhiều DN trong cụm, khu công nghiệp gặp khó khăn trong việc bố trí phương tiện vận chuyển người lao động từ nơi lưu trú đến nơi sản xuất hay thực hiện "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 điểm đến" để duy trì hoạt động. Các DN FDI còn bị ảnh hưởng bởi quy định nhập cảnh với chuyên gia nước ngoài.
Thời gian qua, để giải quyết những khó khăn và tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho DN FDI, bên cạnh những chính sách của Chính phủ, TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ DN giảm thiểu khó khăn, từng bước vượt qua đại dịch. Ngoài công tác y tế và thực hiện quy định của T.Ư để phòng, chống dịch, tránh đứt gẫy chuỗi cung ứng, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND TP Hà Nội một số biện pháp hỗ trợ DN FDI như: Tạm dừng không thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính đối với các DN FDI trên địa bàn, tạo điều kiện cho các DN tập trung xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh.
Chủ động lắng nghe, vào cuộc
Đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội (HPA) chia sẻ, hội nghị lần này hướng tới cung cấp các thông tin về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong thời gian tới, nhất là khi Hà Nội đang bước vào giai đoạn "bình thường mới" sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Qua đó, trao đổi, giải đáp các khó khăn, vướng mắc DN gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là cơ hội để gặp gỡ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, DN, hiệp hội, tổ chức Việt Nam cũng như quốc tế nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào Hà Nội.
Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, từ ngày 21/9/2021, khi TP nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, việc tiếp nhận hồ sơ một cửa đã tiếp nhận và xử lý 416 lượt hồ sơ một cửa thuộc lĩnh vực đầu tư nước ngoài bằng 65,9% tổng số hồ sơ từ đầu năm. Trong đó, với 278 hồ sơ vốn, tổng giá trị đăng ký đạt khoảng 340 triệu USD, bằng 40,9% tổng vốn đầu tư thu hút 9 tháng đầu năm, bao gồm đăng ký dự án mới, dự án tăng vốn, góp vốn, mua cổ phần. Kết quả đó đã nâng tổng số vốn thu hút FDI năm 2021, đến nay khoảng 1.200 triệu USD. Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú, cho biết: “Trước mắt, lãnh đạo TP sẽ gặp gỡ, đối thoại với các DN FDI. Sau đó, sẽ tổ chức tiếp một hội nghị đối thoại với các DN trong nước”.
Hiện nay, Sở KH&ĐT đang tập trung hỗ trợ và giải quyết tối đa các hồ sơ và đề nghị của nhà đầu tư nước ngoài, với tinh thần rút ngắn thời gian giải quyết và hướng dẫn tháo gỡ nhanh nhất vướng mắc cho nhà đầu tư.
“Đến nay, Sở KH&ĐT Hà Nội đã trao đổi, nắm bắt thông tin, nhận được nhiều đề xuất, kiến nghị từ hơn 500 DN FDI trên địa bàn. Các đề xuất, kiến nghị không chỉ với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hà Nội mà cả Chính phủ, chủ yếu tập trung đến các nội dung thuế, bảo hiểm xã hội, vaccine, cấp và gia hạn giấy phép lao động của chuyên gia, người lao động nước ngoài, hạn chế xuất nhập cảnh, đi lại, thực hiện quy định phòng, chống dịch”- đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết. Tất cả đã được Sở KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng để có thể trả lời, giải đáp trực tiếp tại hội nghị.
Doanh nghiệp kỳ vọng
Thông tin Hà Nội tổ chức đối thoại, nhiều DN FDI rất vui mừng và kỳ vọng về khi TP quan tâm tổ chức hội nghị. Đại diện Công ty TNHH Goshi Thăng Long cho biết, việc tổ chức đối thoại với DN trong thời điểm này cho thấy TP đang từng bước mở cửa trở lại các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói, thành quả về công tác phòng, chống Covid-19 của TP sau việc thực hiện giãn cách xã hội vừa qua là rõ ràng và đang kiểm soát tốt.
Một DN Hàn Quốc có dự án trên địa bàn quận Thanh Xuân chia sẻ, DN rất mong đợi hội nghị đối thoại này, bởi dự án đầu tư đang vướng mắc về thực hiện chủ trương, chính sách cần được chính quyền TP hỗ trợ. “Tôi tin tưởng, với kết quả bước đầu về công tác phòng, chống dịch hiện nay của TP sẽ mở ra cơ hội thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới lẫn chăm sóc nhà đầu tư hiện tại để đưa hoạt động kinh tế TP hồi phục trở lại” - vị này chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, hiện tại, bước vào nới lỏng giãn cách xã hội, TP sẽ tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để áp dụng giải pháp hỗ trợ DN FDI, xứng đáng là điểm đến cho các nhà đầu tư theo tinh thần vừa linh hoạt, vừa bảo đảm an toàn. Để tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn, thu hút đầu tư sau đại dịch, Hà Nội đang đẩy mạnh liên kết vùng thông qua các cơ chế, chính sách và phối hợp đầu tư phát triển hạ tầng, mà khép kín hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm trọng yếu là một ưu tiên.
Cùng với đó, xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư các đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, khu công nghệ cao… TP cũng đang cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch trên địa bàn; xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù về đất đai, xây dựng, ưu đãi thu hút đầu tư; cải cách căn bản về thủ tục hành chính theo hướng giảm thời gian và chi phí cho DN. Lãnh đạo TP khẳng định, Hà Nội luôn quan tâm và đồng hành cùng DN trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là sau tác động tiêu cực của dịch Covid-19, TP sẽ hỗ trợ các DN ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới.
"Chúng tôi rất vui mừng khi TP Hà Nội tổ chức hội nghị đối thoại với DN FDI. Điều đó cho thấy, TP cầu thị lắng nghe cộng đồng DN đang gặp những khó khăn gì để chuẩn bị tốt hơn cho việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới." - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH ABB Power Grids Việt Nam Hoàng Văn Tiển |