Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đồng loạt kiểm tra thực phẩm chay: Phát hiện nhiều cơ sở vi phạm

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở Y tế Hà Nội tiếp tục truy tìm hơn 140 khách hàng mua Pate Minh Chay nhằm khắc phục sự cố về ATVSTP liên quan đến sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới gây ngộ độc. Sở cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng khi sử dụng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm ăn liền.

 Cơ quan chức năng TP Hà Nội kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm chay. Ảnh: Trần Dũng

Thêm 24 người có biểu hiện ngộ độc

Theo danh sách khách hàng mà Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới cung cấp, có 1.857 khách hàng ở Hà Nội mua Pate Minh Chay. Chi cục ATVSTP Hà Nội và 30 quận, huyện, thị xã đã gọi điện và liên hệ được với 1.133 khách hàng, còn 142 khách hàng chưa liên hệ được. Những khách hàng cơ quan chức năng liên hệ được đã mua 1.220 lọ, trong đó đã sử dụng (hoặc bỏ đi) 1.030 lọ Pate Minh Chay, chỉ còn lại 190 lọ Pate Minh Chay đang thu hồi. Các sản phẩm khác (ruốc nấm heri vị hảo hạng, muối vừng bát bảo đặc biệt...) khách đã mua 235 lọ; đã sử dụng 157 sản phẩm, còn lại đang thu hồi.

Về tình hình sức khỏe khách hàng, đa số có sức khỏe bình thường. 24 khách hàng (7 khách hàng khám tại bệnh viện) gọi điện khai báo sau khi ăn khoảng 1 - 3 ngày có biểu hiện một số triệu chứng như: Đau đầu, mệt mỏi chân tay, đau bụng, chóng mặt, tê bì chân, tay. Các trường hợp này đã được hướng dẫn đến cơ sở y tế khám và theo dõi sức khỏe tại gia đình, khi cần thiết đến bệnh viện tái khám. Hiện tại sức khỏe vẫn bình thường.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, 2 bệnh nhân hiện tại đang điều trị tại Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Đào Gia T. thở máy, còn vận động nhẹ bàn tay, bàn chân. Còn bệnh nhân Từ Thị Bích L. mắt nhìn rõ, nói khàn, vận động đang có tiến triển. Hiện, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Sở NN&PTNT tiếp tục đôn đốc Công ty cung cấp đầy đủ danh sách khách hàng đã mua sản phẩm của Công ty gửi Cục ATVSTP để chuyển các tỉnh, TP tiến hành thông báo thu hồi và xử lý kịp thời. Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản sẽ hỗ trợ Công ty thu hồi sản phẩm trên địa bàn Hà Nội.

Phát hiện 14 cơ sở kinh doanh đồ chay vi phạm

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố Pate Minh chay, UBND 30 quận, huyện, thị xã đã đồng loạt kiểm tra các địa điểm kinh doanh, buôn bán thực phẩm chay, siêu thị… trọng tâm chuỗi nhà hàng chay. Hiện Hà Nội có 126 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay, trong đó có 93 cơ sở được kiểm tra. Đặc biệt, có 14 cơ sở bị xử lý vi phạm với số tiền phạt là 55 triệu đồng (vi phạm chủ yếu là không xuất trình được bản tự công bố, điều kiện bảo quản chưa bảo đảm…). Đề cập đến loại ngộ độc này, ông Trần Văn Chung cho biết, Botulinum là một trong những độc tố nguy hiểm, có thể gây chết người được biết đến nhiều nhất. Khi xâm nhập vào cơ thể, chất độc này ngăn chặn các chức năng của hệ thần kinh và có thể dẫn đến liệt cơ hô hấp và cơ bắp.

Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, trung bình, lượng độc tố khoảng 2 nanogram (2 phần tỉ gam) độc tố Botulinum trên mỗi kg trọng lượng cơ thể là đã gây tử vong. Nguyên nhân của tình trạng này thường đến từ việc ăn phải thực phẩm có chứa Botulinum, được hình thành trong thực phẩm bị ô nhiễm. Việc lây truyền ngộ độc từ người sang người là không xảy ra. Các triệu chứng của ngộ độc Botulism từ thực phẩm bao gồm, ban đầu bệnh nhân sẽ thấy mệt mỏi, suy nhược và chóng mặt rõ rệt, sau đó thường là mờ mắt, khô miệng, khó nuốt và khó phát âm. Nôn mửa, tiêu chảy, táo bón và phù vùng bụng cũng có thể xảy ra. Bệnh có thể tiến triển ban đầu từ yếu các cơ ở vùng cổ và cánh tay, sau đó lan đến các cơ hô hấp và các cơ vùng hạ vị bị ảnh hưởng. Bệnh có thể gây tử vong trong khoảng 5 - 10% trường hợp.

Dự phòng ngộ độc Botulism

Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ - cho biết, phòng ngừa ngộ độc Botulism từ thực phẩm dựa trên phương pháp thực hành tốt trong chế biến thực phẩm, đặc biệt là trong quá trình đun nóng/tiệt trùng và vệ sinh. Ngộ độc Botulism từ thực phẩm có thể được ngăn ngừa bằng cách làm bất hoạt vi khuẩn và các bào tử của nó trong các sản phẩm đóng hộp hoặc tiệt trùng bằng nhiệt, hoặc bằng cách ức chế sự phát triển của vi khuẩn và ức chế quá trình sản sinh độc tố trong các sản phẩm khác. Các dạng vi khuẩn hầu hết có thể bị tiêu diệt bằng cách đun sôi, trong khi các bào tử vẫn có thể tồn tại sau thực hiện phương pháp này trong vài giờ và chỉ có thể bị tiêu diệt bằng cách xử lý nhiệt độ rất cao.

Thanh trùng bằng nhiệt trong quy trình thương mại (bao gồm các sản phẩm thanh trùng được đóng gói chân không và các sản phẩm hun khói) có thể không đủ khả năng tiêu diệt tất cả các bào tử, do đó sự an toàn của các sản phẩm này phải dựa trên việc ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn và sản sinh độc tố.

Tổ chức Y tế thế giới đưa ra hướng dẫn “5 chìa khóa đối với thực phẩm an toàn” gồm: Giữ vệ sinh sạch sẽ; Thực phẩm sống và chín cần phân biệt riêng biệt; Nấu kỹ thực phẩm; Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn; Sử dụng nguồn nước và nguyên liệu an toàn.