Số liệu thống kê của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho thấy, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU từ năm 2016 đến nay là khoảng 56.513 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách T.Ư hỗ trợ 58 tỷ đồng. Ngân sách TP bố trí khoảng 20.911 tỷ đồng. Ngân sách huyện 29.275,5 tỷ đồng. Ngân sách xã 1.455,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước cho Chương trình số 02-CTr/TU từ năm 2016 đến nay đạt khoảng 4.813 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp của Nhân dân (bằng ngày công lao động trực tiếp, hiến đất làm các công trình công cộng...) là 1.976,6 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã là 2.037,54 tỷ đồng; các nguồn vốn khác là 798,47 tỷ đồng.
Cùng với kinh phí đầu tư trực tiếp trên, TP cũng đã bố trí 1.000 tỷ đồng ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội để tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân. Nhờ đó, thu nhập của người nông dân không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm dần qua từng năm.
Trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng nông thôn mới, các cấp, các ngành đã thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các địa phương. Nhờ đó đến nay, Hà Nội không còn nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, để hiện thực hóa các mục tiêu Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội dự kiến tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn là 89.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn lồng ghép của TP là 25.000 tỷ đồng, ngân sách TP hỗ trợ trực tiếp là 20.000 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện là 30.000 tỷ đồng, ngân sách cấp xã 2.000 tỷ đồng. Cùng với đó, vốn huy động ngoài ngân sách TP dự kiến là 12.000 tỷ đồng.