Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Dự kiến xây dựng hàng loạt hầm chui quy mô lớn

Ngọc Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo UBND TP về 11 công trình giao thông sắp xây dựng trên địa bàn. Trong đó có hầm đi bộ kết nối các tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) và một số hầm chui giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các nút giao.

Đảm bảo kết nối đường sắt đô thị 

Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo UBND TP về tình hình triển khai thực hiện lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 11 dự án đầu tư công trình giao thông sắp xây dựng trên địa bàn.

Trong đó có một dự án đặc biệt kết nối tuyến ĐSĐT số 2A và tuyến số 3 của Hà Nội. Dự án xây dựng hầm sẽ kết nối ga Cát Linh và ga S10 của tuyến ĐSĐT đoạn Nhổn - Ga Hà Nội 

Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GTVT Hà Nội Phan Trường Thành khẳng định: “Xây dựng các tuyến kết nối là điều kiện rất cần thiết và cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu để phục vụ hiệu quả hoạt động cho các tuyến ĐSĐT. Đặc biệt trong đó có tuyến ĐSĐT số 3 chuẩn bị đưa vào khai thác, vận hành. Chúng ta phải đi trước đón đầu, triển khai tuyến kết nối để khi đưa ĐSĐT vào khai thác, vận hành sẽ đồng bộ, đảm bảo tính liên kết”.

Sở GTVT Hà Nội sẽ xây dựng hầm đi bộ kết nối giữa ga Cát Linh (tuyến ĐSĐT số 2A) và ga ngầm S10 (tuyến ĐSĐT số 3). 
Sở GTVT Hà Nội sẽ xây dựng hầm đi bộ kết nối giữa ga Cát Linh (tuyến ĐSĐT số 2A) và ga ngầm S10 (tuyến ĐSĐT số 3). 

Dự án xây dựng hầm kết nối giữa tuyến ĐSĐT số 2A và tuyến số 3 đã được Sở GTVT trình UBND TP, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nghiên cứu tiền khả thi dự án từ tháng 6/2022.

Sở GTVT Hà Nội đề xuất thực hiện theo phương án xây dựng các đường hầm đi bộ, phòng trung chuyển và có 2 hướng kết nối. Phương án kết nối giữa ga trên cao Cát Linh (tuyến số 2A) và ga ngầm S10 (tuyến số 3) nằm trong phạm vi chỉ giới đường đỏ, thực hiện trên địa bàn quận Ba Đình và Đống Đa.

Chị Trần Thuỳ Linh (quận Hà Đông) cho biết: "Trong tương lai khu vực Cát Linh sẽ có hai ga ĐSĐT, một nổi một ngầm. Nếu không có hầm kết nối thẳng, hành khách sẽ phải đi lại rất vất vả, mất thời gian. Việc tính trước phương án hầm kết nối giữa các tuyến ĐSĐT là rất xác đáng".

Để phục vụ người dân đi ga Cát Linh (tuyến số 2A), dự kiến sẽ thiết kế lối lên xuống bao gồm thang bộ, thang cuốn và thang máy. Ngược lại, đi từ ga S10 (tuyến số 3) sẽ kết nối với tầng trung chuyển ga S10.

“Hầm kết nối hai nhà ga chúng tôi ưu tiên dành cho người đi bộ. Về lâu dài, Thủ đô hướng tới sử dụng phương tiện giao thông phi cơ giới và đi bộ. Có thể nghiên cứu lồng ghép cho phương tiện xe đạp” - ông Phan Trường Thành chia sẻ. 

Sở GTVT Hà Nội dự kiến tổng mức đầu tư của dự án hầm kết nối giữa ga trên cao Cát Linh (tuyến số 2A) và ga ngầm S10 (tuyến số 3) là 113 tỷ đồng.

Giữ nhiều nút thắt trên Vành đai 3

Bên cạnh những dự án được chuẩn bị để phục vụ các công trình sắp hoàn thành trong thời gian tới, một trong những ưu tiên hiện nay của Sở GTVT Hà Nội là xử lý ngay tình trạng ùn tắc tại các nút giao.

Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GTVT Hà Nội Phan Trường Thành cho biết: “Nếu đầu tư quy hoạch những tuyến đường mới cần một khoảng thời gian nhất định. Chúng ta có thể hoàn thiện những nút giao thông bằng giải pháp giảm trừ các giao cắt, thay bằng phương án hầm chui hoặc cầu vượt là có thể giải quyết được ngay. Bên cạnh giải pháp cầu vượt nhẹ đã được áp dụng thành công, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu giải pháp làm hầm chui như hầm chui Vành đai 2,5 - Quốc lộ 1A đang được thực hiện”. 

Để tháo gỡ tình trạng ùn tắc tại các nút giao, Sở GTVT đang đề xuất xây dựng một số hầm chui trong thời gian tới tại nút giao Mễ Trì - Dương Đình Nghệ - Vành đai 3, Tây Thăng Long - Vành đai 3,... Lợi thế của giải pháp xây dựng hầm chui là có thể tận dụng được không gian hiện có, giải quyết ngay tình trạng ùn tắc giao thông tại những nút giao thông quan trọng của TP Hà Nội. 

Khu vực nút giao đường Mễ Trì - Dương Đình Nghệ - Vành đai 3 có lưu lượng phương tiện giao thông rất lớn, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Khu vực nút giao đường Mễ Trì - Dương Đình Nghệ - Vành đai 3 có lưu lượng phương tiện giao thông rất lớn, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Theo đề xuất của Sở GTVT, hầm chui sẽ được xây dựng trực thông trên trục đường Mễ Trì - Dương Đình Nghệ, đi dưới Vành đai 3. Phạm vi xây dựng nằm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm và quận Cầu Giấy. Điểm đầu của hầm dự kiến nằm trên đường Mễ Trì, cách vị trí nút giao khoảng 500m. Điểm cuối trên đường Dương Đình Nghệ cách vị trí nút giao khoảng 500m.

Tổng chiều dài hầm khoảng 565m với mức đầu tư dự kiến khoảng 975 tỷ đồng. Để đảm bảo mặt đường đô thị hai bên hầm bố trí đủ 2 làn cơ giới và 1 làn hỗn hợp, cần xén hè hiện trạng của đường Mễ Trì và Dương Đình Nghệ.

Việc xây dựng hầm chui tại nút giao Mễ Trì - Dương Đình Nghệ - Vành đai 3 không chỉ giải quyết ùn tắc cho ngành giao thông mà còn hỗ trợ không nhỏ với bài toán thoát nước của khu vực.

Anh Lê Hải Long (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Vào mùa mưa, khu vực Mễ Trì - Dương Đình Nghệ ngập khủng khiếp. Hy vọng khi xây hầm chui, các đơn vị sẽ quan tâm đến vấn đề thoát nước, phân tải lại lưu vực thoát nước để vừa giảm ùn tắc, vừa tránh ngập lụt diễn ra”.

Mặt khác, xây dựng hầm chui cũng là phương án được Sở GTVT đưa ra để gỡ rối cho giao thông tại nút giao đường trục Tây Thăng Long - Vành đai 3.

Theo thông tin của Sở GTVT Hà Nội, dự án có điểm đầu kết nối với đường Hoàng Minh Thảo đã xây dựng, cách vị trí nút giao khoảng 150m. Điểm cuối của hầm chui kết nối với đường trục Tây Thăng Long theo hướng Phạm Văn Đồng đi Văn Tiến Dũng, cách vị trí nút giao khoảng 850m.

Hầm chui sẽ được xây dựng trực thông dưới đường Vành đai 3 với tổng chiều dài thiết kế hầm và đường dẫn là 800m. Tĩnh không thông xe trong hầm là 4,75m. Đường đô thị hai bên hầm mỗi chiều bố trí 3 làn xe.

Dự án được thực hiện trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) với tổng mức đầu tư dự kiến 1.156 tỷ đồng.

Hiện nay, trục Tây Thăng Long đoạn qua khu vực nghiên cứu dự án đang triển khai thi công, tuy nghiên còn vướng công tác giải phóng mặt bằng nên còn 500m đoạn từ Phạm Văn Đồng đi Văn Tiến Dũng chưa thể triển khai. Vị trí nút giao xây dựng hầm chui thuộc phạm vi này nên Sở GTVt đề nghị UBND TP chỉ đạo quận Bắc Từ Liêm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng dự án đường trục Tây Thăng Long để hầm chui sớm được triển khai.