Hà Nội: Đưa chăn nuôi bò lên tầm cao mới

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội tập trung phát triển sản xuất giống bò thịt, bò sữa phù hợp với các vùng sinh thái song song chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học gắn với liên kết chuỗi. Đây được coi là giải pháp chiến lược góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Hiệu quả kinh tế cao

Những năm qua, Hà Nội đã thành công trong việc cải tạo đàn bò cái nền và lai tạo ra giống bò cao sản. Để nâng cao chất lượng đàn bò, TP đã đưa các giống bò mới vào chăn nuôi như Wagyu, BBB, Droughmaster... cho hiệu quả kinh tế cao và chất lượng thịt ngon hơn.

 Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại huyện Ba Vì. Ảnh: Ánh Ngọc

Là một trong những hộ được Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ chăn nuôi giống bò cao sản, anh Nguyễn Bá Anh (khu 5, xã Minh Châu, huyện Ba Vì) chia sẻ: “Tôi được cán bộ hỗ trợ tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò thịt cao sản, được tập huấn để chăn nuôi theo phương thức thâm canh tăng năng suất, mang tính sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, việc chuyển sang nuôi giống bò cao sản cho hiệu quả cao hơn nhiều so với giống bò cỏ truyền thống. Nếu như trước đây, bò truyền thống cho lãi 5 - 6 triệu đồng/năm thì giống bò cao sản cho lãi 8 - 10 triệu đồng/con. Hiện, gia đình tôi đang nuôi 28 con bò, trong đó có 4 con Wagyu. Nhờ phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao, gia đình tôi có thu nhập 250 – 300 triệu đồng/năm” – anh Bá Anh cho hay.

Đáng chú ý, từ năm 2010, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai việc sử dụng tinh phân ly giới tính đến các hộ chăn nuôi bò sữa tại một số xã trọng điểm trên địa bàn TP. Đến nay, hiệu quả thu được từ chương trình rất tích cực, với tỷ lệ bê cái sinh ra đạt 90 %. Khối lượng bê sơ sinh bình quân đạt 37,5 kg/con.

Giám đốc Hợp tác xã nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì Tạ Viết Hùng cho biết, sản xuất giống bò sữa bằng tinh bò sữa phân ly giới tính được đông đảo người chăn nuôi đánh giá cao bởi những ưu điểm mang lại. Bê sinh ra từ tinh phân ly giới tính có ngoại hình đẹp, sinh trưởng, phát triển tốt, có đặc trưng phẩm chất giống. Khả năng tăng trọng của bê được sinh ra từ công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng tinh phân giới tính khoảng 1kg/ngày/con. Ở giai đoạn bò trưởng thành cho năng suất, chất lượng sữa cao.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện, tổng đàn bò của TP là 130.000 con, so với thời điểm năm 2008 tổng đàn giảm 6,9% nhưng năng suất tăng 36 %. Trong đó, đàn bò sữa hơn 13.800 con, đàn bò thịt và bò sinh sản hơn 117.000 con. Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò cái nền đạt 80% với các giống bò thịt chủ lực là Angus, BBB, Charolais, Wagyu…

 Chăn nuôi bò sữa giúp nhiều nông dân Hà Nội nâng cao thu nhập. Ảnh: Ánh Ngọc

Hướng phát triển bền vững

Mặc dù năng suất chất lượng giống bò thịt, bò sữa của TP Hà Nội hiện nay đã gia tăng khá nhiều so với giai đoạn trước năm 2009, nhưng so với các nước có ngành chăn nuôi phát triển, năng suất thịt và sữa của các giống bò tại Hà Nội vẫn còn kém hơn nhiều. Với bò thịt 36 tháng tuổi, khối lượng trung bình tại các nước phát triển đạt 700 - 800 kg/con, tại Hà Nội đạt 450 - 600 kg/con. Với bò sữa sản lượng sữa bình quân tại các nước phát triển đạt 6.000 kg/chu kỳ/con, tại Hà Nội bình quân đạt 4.900 kg/chu kỳ/con. Do vậy, vấn đề đặt ra của ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò thịt, bò sữa nói riêng tại Hà Nội là phải nâng cao năng suất cho tiệm cận với các nước có ngành chăn nuôi phát triển.

Đáng nói, hiện nay chăn nuôi bò trên địa bàn TP mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu sản phẩm của người dân; phần lớn phải nhập khẩu các sản phẩm thịt và sữa từ nước ngoài. Đây vừa là thách thức nhưng vừa là cơ hội, tiềm năng để ngành phát triển trong thời gian tới.

Để chăn nuôi bò thịt, bò sữa tiếp tục phát huy hiệu quả, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, mới đây UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Kế hoạch nâng cao năng suất chất lượng giống bò thịt, bò sữa giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai kế hoạch, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, trang thiết bị chuồng trại, công tác vệ sinh thú y…

Bên cạnh đó, nhân rộng mô hình các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng; đồng thời thúc đẩy, quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm chăn nuôi. Đặc biệt là hướng dẫn các cơ sở, DN chăn nuôi sản xuất giống trên địa bàn TP thực hiện chăn nuôi theo quy chuẩn quốc gia QCVN 01:14/2010/Bộ NN&PTNT và quy trình thực hành chăn nuôi tốt theo Quyết định số 4653 của Bộ NN&PTNT.

Giai đoạn 2021 – 2025, ngành nông nghiệp Hà Nội đặt 3 mục tiêu lớn đối với chăn nuôi bò.

Cụ thể: Đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho 4.000 lượt hộ chăn nuôi; 50 dẫn tinh viên thụ tinh nhân tạo bò có tay nghề cao và 240 cán bộ kỹ thuật tại cơ sở.

Hỗ trợ 207.000 liều tinh bò có năng suất chất lượng cao, tập trung cho các giống bò có năng suất, chất lượng nổi trội như: Senepol, Brahman, BBB, Inra 95, bò sữa. Sản xuất trên 100.000 bò cái, bò thịt, bò sữa chất lượng cao; giám định bình tuyển 15.000 bò sữa và bò thịt; cấy truyền 150 phôi bò thuần chủng giống Wagyu.

Gia tăng giá trị trong sản xuất giống bò thịt, bò sữa 15 - 20%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần