Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đưa nông thôn tiến gần thành thị - Bài 1: Khó khăn những ngày đầu hợp nhất

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, ngày 30/10/2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo số 443/TB-TU, kêu gọi các quận nội thành “bớt ăn, bớt tiêu” để chia sẻ với các huyện khó khăn.

Sau 5 năm thực hiện chủ trương “tiếp sức ngoại thành xây dựng nông thôn mới” của Thành ủy Hà Nội, 12 quận đã hỗ trợ các huyện gần 1.100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, tổng số hộ nghèo của Hà Nội liên tục giảm, hiện chỉ còn 0,16%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 72 triệu đồng/người/năm, đứng thứ 3/63 tỉnh, TP.

Đường đến trường của các em học sinh tại xã dân tộc miền núi Khánh Thượng (huyện Ba Vì). Ảnh: Lâm Nguyễn
Đường đến trường của các em học sinh tại xã dân tộc miền núi Khánh Thượng (huyện Ba Vì). Ảnh: Lâm Nguyễn

Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, từ ngày 1/8/2008, tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và một số xã thuộc huyện miền núi Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) được sáp nhập về Thủ đô. Hà Nội trở thành địa phương có số đơn vị hành chính cấp xã lớn nhất của cả nước. Cùng với đó, bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Hà Nội với xuất phát điểm là hàng loạt khó khăn.

Cơ sở hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu

Con đường được bê tông hóa khang trang, rộng đẹp dẫn chúng tôi về với xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì). Đây là địa phương nằm cách xa trung tâm Hà Nội đến gần 100 cây số. Thời điểm 15 năm về trước, xã Khánh Thượng vẫn rất ít người lui tới, không chỉ vì khoảng cách xa xôi, mà còn bởi đường về nơi đây gập ghềnh, khúc khuỷu.

 

Khi mới mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (năm 2008), thu nhập bình quân của người dân Hà Nội chỉ khoảng 12 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn TP còn trên 8,4%. Thôn Đồng Ké (xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ) và hai xã An Phú (huyện Mỹ Đức), Ba Vì (huyện Ba Vì) vẫn thuộc nhóm thôn, xã đặc biệt khó khăn của cả nước.

Chị Đinh Thị Hiền ở thôn Gò Đá Chẹ (xã Khánh Thượng) cho biết, đường về thôn có nhiều ngầm tràn. Khi nước lớn, người dân không thể qua lại do dòng chảy siết. Giao thông trước kia chủ yếu là đường đất, trơn trượt vào mùa mưa nên rất nguy hiểm. Sau nhiều năm về với Hà Nội, được TP quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nên cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện.

Xuôi về phía Nam TP, xã An Phú (huyện Mỹ Đức) cũng là địa phương gặp nhiều thiếu khó về hạ tầng điện - đường - trường - trạm khi sáp nhập về với Thủ đô. Đặc biệt trong đó phải kể tới cơ sở vật chất trường học, khi nhiều em nhỏ phải di chuyển hơn 8 cây số mới đến được lớp học.

Hiệu trưởng trường Tiểu học xã An Phú Lại Xuân Vượng cho biết, trước đây việc đi học của con em trên địa bàn còn khó khăn hơn rất nhiều. Điều kiện phòng học cũng thiếu thốn đủ bề. “Bàn ghế, phấn bảng còn thiếu, chứ chưa nói đến trang thiết bị, máy móc tiên tiến phục vụ dạy và học” - ông Vượng cho hay.

Trong khi đó, đối với vùng đồng bào các dân tộc ở hai xã Đông Xuân, Phú Mãn (huyện Quốc Oai), nguồn cấp điện thường xuyên, ổn định là niềm mong mỏi lớn. Trong nhiều năm trước khi sáp nhập về với Thủ đô, tại hai địa phương này, rất nhiều hộ dân không có điện lưới để sử dụng do nằm cách quá xa trung tâm.

Ông Bùi Văn Thảo - nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Mãn cho biết, các gia đình nằm rải rác trên những triền đồi nên việc kéo lưới điện gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp hộ dân nằm tách biệt khu dân cư, đến mãi năm 2015 mới có điện thắp sáng.

Hạ tầng cơ sở của nhiều xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã được cải tạo khang trang.
Hạ tầng cơ sở của nhiều xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã được cải tạo khang trang.

Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều trở ngại

Nằm ven hồ Đồng Sương, giáp ranh tỉnh Hòa Bình, xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) là địa phương nằm xa trung tâm Hà Nội nhất về phía Tây Bắc. Chỉ tay về phía bốn bề núi đá, ông Nguyễn Viết Đăng - nguyên Trưởng thôn Đồng Ké cho biết, thôn có địa thế hiểm trở, đất đai cằn cỗi, manh mún nhỏ lẻ.

Thời điểm trước, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư nên nào mùa khô, hàng trăm hecta đất canh tác nông nghiệp thường xuyên thiếu nước tưới. Nhưng khi vào mùa mưa, lũ rừng ngang từ trên Hòa Bình lại đổ về nhấn chìm bờ thửa. Nhiều vụ mùa bà con rơi vào cảnh tay trắng.

Đó cũng là giai đoạn rất nhiều hộ dân trong thôn Đồng Ké phải âm thầm rời xứ để tìm kế sinh nhai. Người không có điều kiện đành ở lại “bới đất lật cỏ” hoặc đi làm thuê ở mỏ đá, chấp nhận bữa đói, bữa no. Nhờ chính sách dân tộc cùng nguồn lực tương trợ của TP, đời sống sản xuất của người dân nơi đây mới dần đổi thay.

So với xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ), điều kiện sản xuất của người dân xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) cũng khó khăn không kém. Mảnh đất này từng là một phần của huyện miền núi Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Ngày mới hợp nhất về với Thủ đô, phần lớn đồng bào nơi đây vẫn loay hoay với “trồng cây gì, nuôi con gì”.

Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trung Nguyễn Văn Lịch cho biết, địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống nên kỹ thuật canh tác nông nghiệp của bà con hạn chế. Đời sống của đồng bào các dân tộc chậm được cải thiện trong thời gian dài.

Nỗi lo khoảng cách giàu nghèo

Cho đến nhiều năm về sau này, câu chuyện giảm nghèo của xã Ba Vì (huyện Ba Vì) vẫn được xem là một kỳ tích. Gần 15 năm trước, khi mới sáp nhập về với Thủ đô, xã Ba Vì vẫn nằm trong nhóm thôn, xã đặc biệt khó khăn của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo nơi đây có giai đoạn lên tới hơn 30%, tức cứ 10 hộ dân lại có hơn 3 hộ nghèo.

Nguyên Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Liên cho biết, với tỷ lệ hộ nghèo cao, sản xuất manh mún, ở thời điểm đó, xây dựng nông thôn mới thực sự là mục tiêu xa vời. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của TP, sự hỗ trợ của các quận nên đầu năm 2022, xã Ba Vì cũng đã về đích nông thôn mới. Đời sống đồng bào đang ngày một được cải thiện.

Nguyên Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương cho biết, sau mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có 401 xã và 18 huyện, thị xã với hơn 60% trong tổng dân số gần 6,7 triệu người vẫn trông vào nông nghiệp. Hà Nội là địa phương có số đơn vị hành chính thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới lớn nhất của cả nước, chênh lệch mức sống nông thôn - thành thị, cùng những khó khăn về hạ tầng kinh tế - xã hội bủa vây khiến việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Hà Nội gặp rất nhiều rào cản.

(Còn nữa)

 

Từ kết quả thực hiện chủ trương “tiếp sức ngoại thành xây dựng nông thôn mới” của Thành ủy Hà Nội, ngày 19/6/2020, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội. Theo đó, cho phép các quận được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ các huyện khó khăn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14 đã khẳng định Hà Nội đang đi đúng hướng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới một cách sáng tạo, bài bản và hiệu quả thông qua phương thức đỡ đầu nguồn lực.