Hà Nội đưa nông thôn tiến gần thành thị -Bài 2: Tiếp sức cho ngoại thành

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trong bối cảnh đầy rẫy những khó khăn sau hợp nhất, Thành ủy Hà Nội đã có nhiều giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, mà điển hình là Thông báo số 443/TB-TU ngày 30/10/2016, kêu gọi các quận nội thành “tiếp sức ngoại thành xây dựng NTM”.

>>> Bài 1: Khó khăn những ngày đầu hợp nhất

Sau 5 năm (2016 - 2020), nhiều công trình hạ tầng tại những địa bàn khó khăn của Hà Nội đã được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn hỗ trợ của các quận.

Miền quê huyện Phúc Thọ đổi thay từng ngày nhờ nguồn lực hỗ trợ của các quận nội thành. Ảnh. LÂM NGUYỄN
Miền quê huyện Phúc Thọ đổi thay từng ngày nhờ nguồn lực hỗ trợ của các quận nội thành. Ảnh. LÂM NGUYỄN

Những công trình của tình đoàn kết

Là địa phương thuần nông, kinh phí xây dựng nông thôn mới của xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ) còn hạn chế. Điều này khiến tiêu chí cơ sở vật chất, văn hóa để đưa xã về đích nông thôn mới trở thành rào cản lớn.

Chị Dương Thị Xuân, Cụm dân cư số 2 (xã Phụng Thượng) cho biết, trước năm 2018, mỗi khi có kỳ cuộc hội họp, người dân phải tổ chức nhờ tại trường mầm non nhưng khi được quận Bắc Từ Liêm hỗ trợ 2,5 tỷ đồng để xây nhà hội họp đã giúp địa phương giải quyết bài toán điểm sinh hoạt cộng đồng, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho người dân.

Cũng tinh thần đó, tháng 9/2019, hàng trăm em nhỏ trên địa bàn xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn) đón nhận niềm vui lớn, khi trường Mầm non Tiên Dược C được khánh thành. Công trình được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 40 tỷ đồng, là món quà do Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Thanh Xuân hỗ trợ theo chủ trương “tiếp sức ngoại thành xây dựng nông thôn mới” của Thành ủy Hà Nội.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ (thị xã Sơn Tây) Phùng Trọng Dũng cho biết, những năm trước, người dân trên địa bàn một số thôn trong xã phải sống chung với tình trạng hễ mưa lớn là úng ngập. Từ khi được UBND quận Hà Đông hỗ trợ 25 tỷ đồng thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, tình trạng này đã được khắc phục. Việc đi lại, giao thương của người dân đã thuận lợi hơn rất nhiều.

Các quận hỗ trợ gần 1.100 tỷ đồng cho các huyện

Sau hơn 5 năm thực hiện chủ trương của Thành ủy Hà Nội huy động nguồn lực “tiếp sức ngoại thành xây dựng nông thôn mới”, Thông báo số 443/TB-TU ngày 30/10/2016 của Thành ủy đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân 12 quận nội thành.

Nhà văn hoá thôn Cửa Khâu (xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai) được xây dựng nhờ nguồn vốn hỗ trợ của các quận. Ảnh LÂM NGUYỄN
Nhà văn hoá thôn Cửa Khâu (xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai) được xây dựng nhờ nguồn vốn hỗ trợ của các quận. Ảnh LÂM NGUYỄN

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, quận Thanh Xuân là địa phương có tổng mức hỗ trợ dành cho các huyện lớn nhất. Tính riêng từ năm 2016 đến nay, quận Thanh Xuân đã hỗ trợ gần 328 tỷ đồng cho các huyện: Ba Vì, Quốc Oai, Đông Anh, Thanh Oai, Sóc Sơn và Chương Mỹ, nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Quận Tây Hồ đứng thứ hai về tổng nguồn lực hỗ trợ với khoảng 223 tỷ đồng.

 

Trước khi có Thông báo số 443/TB-TU đề nghị các quận hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới vào tháng 10/2016, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các quận hỗ trợ tích cực cho các huyện trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Theo đó, giai đoạn 2011 - 2015, các quận đã hỗ trợ các huyện gần 96 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Đây là nguồn lực quan trọng để các địa phương có điều kiện hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Cùng với hai quận Thanh Xuân và Tây Hồ, 10 quận nội thành khác cũng tích cực hỗ trợ ngân sách cho các địa phương ngoại thành hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn lực 12 quận đã dành hỗ trợ các địa phương vùng khó khăn từ năm 2016 đến nay lên tới gần 1.100 tỷ đồng.

Kinh phí hỗ trợ của các quận giai đoạn (2016 - 2020) cụ thể là: Ba Đình 161 tỷ đồng, Nam Từ Liêm 32 tỷ đồng, Hoàng Mai gần 110 tỷ đồng, Long Biên hơn 27 tỷ đồng, Đống Đa gần 50 tỷ đồng, Hai Bà Trưng 31 tỷ đồng, Hà Đông gần 23 tỷ đồng, Hoàn Kiếm hơn 78 tỷ đồng, Bắc Từ Liêm 10 tỷ đồng, Cầu Giấy 25 tỷ đồng.

Chủ trương đúng đắn, kịp thời

Theo Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, trên cơ sở đánh giá nguồn thu ngân sách hàng năm của các quận, huyện, thị xã và để thúc đẩy việc hoàn thành mục tiêu Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”, tháng 10/2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo số 443/TB-TU. Cùng với hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ phát động, Thành ủy Hà Nội đề nghị các Quận ủy xây dựng kế hoạch bố trí ngân sách hỗ trợ các huyện, xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn. Chủ trương lớn của Thành ủy Hà Nội đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn của các quận.

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, việc hỗ trợ các huyện vùng khó khăn đã được địa phương thực hiện từ năm 2011, tuy nhiên, sau khi có chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, quận đã tăng cường thêm nguồn lực. Chính quyền và Nhân dân quận coi công tác này là sự sẻ chia với các huyện còn nhiều thiếu khó nhưng cũng là trách nhiệm đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển chung của TP.

Sự hỗ trợ tích cực của các quận nội thành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đưa các huyện, xã về đích nông thôn mới. Không chỉ vậy, tương trợ nghĩa tình này còn làm sâu sắc, thắt chặt thêm mối quan hệ đoàn kết giữa cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các quận với các huyện trên địa bàn Thủ đô. Thành công từ chủ trương “tiếp sức ngoại thành xây dựng nông thôn mới” của Thành ủy Hà Nội đã thể hiện sự nhìn xa, trông rộng, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, vì nhiệm vụ phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực ngoại thành.

 

Cùng với việc hỗ trợ kinh phí xây dựng trường học cho các huyện còn khó khăn, quận Hoàn Kiếm đặc biệt quan tâm đến việc liên kết với các huyện đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề truyền thống. Quận đề xuất TP nghiên cứu lựa chọn một địa điểm tại trung tâm TP để các huyện có làng nghề kết hợp với quận Hoàn Kiếm giới thiệu và trình diễn về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Qua đó đẩy mạnh việc quảng bá những sản phẩm này tới du khách.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long

(Còn nữa)