Một trong những hoạt động được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tập trung triển khai tích cực trong năm qua là tổ chức thẩm định, đánh giá và cho vay vốn từ Quỹ khuyến nông cho các phương án sản xuất, cơ giới hoá nông nghiệp.
Theo đó, trong năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tiếp nhận, tổ chức 5 đợt thẩm định và ký hợp đồng cho vay 194 phương án phát triển sản xuất với số tiền duyệt vay trên 58,3 tỷ đồng. Đồng thời, tiến hành 5 đợt thẩm định và ký hợp đồng cho vay 54 phương án phát triển cơ giới hóa với số tiền duyệt vay gần 20,8 tỷ đồng.
Mô hình trồng nấm công nghệ cao tại huyện Thanh Oai được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 70 triệu đồng |
Luỹ kế đến ngày 31/12/2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tiếp nhận và ký hợp đồng cho vay đối với 248 phương án. Tổng số tiền được duyệt vay là gần 80 tỷ đồng, đạt 78,1% kế hoạch vốn vay được giao.
Về nguyên nhân của việc giải ngân chưa đạt kế hoạch, đại diện Trung tâm Khuyến nông Hà Nội lý giải: Các hộ vay vốn để phát triển cơ giới hóa hiện nay chỉ mua máy gặt đập liên hợp hoặc máy kéo, máy cấy. Trong khi, các loại máy móc này mang tính thời vụ cao, chỉ sử dụng trong thời gian mùa vụ 20 - 30 ngày/vụ, lại không sử dụng được vào các công việc khác. Thời gian từ khi xây dựng phương án vay vốn đến khi được giải ngân thường qua nhiều bước nên không đáp ứng thời vụ.
Mặt khác, các hộ vay vốn thế chấp tài sản bằng quyền sử dụng đất ở, áp theo giá quy định của UBND TP Hà Nội thường thấp hơn giá thị trường nhiều. Một số hộ không có tài sản đủ giá trị thế chấp để vay vốn mua máy móc cơ giới hoá. Vì vậy, nhiều hộ có nhu cầu vay vốn phát triển cơ giới hóa chuyển sang vay vốn ngân hàng thương mại…