Hà Nội ghi nhận ca mắc liên cầu lợn đầu tiên năm 2024

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, Hà Nội đã ghi nhận ca mắc liên cầu lợn đầu tiên trong năm 2024.

Cụ thể, bệnh nhân là người đàn ông 67 tuổi, nghề nghiệp bảo vệ (ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Trước khi nhập viện 2 ngày, bệnh nhân khởi phát bệnh với các triệu chứng sốt, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.

Sau đó, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng đau đầu nhiều, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chậm chạp. Xét nghiệm cấy máu và dịch não tủy cho kết quả, dương tính với liên cầu lợn (S.Suis).

Trước đó, người đàn ông 40 tuổi (quê Vĩnh Phúc) có sở thích ăn những món tái, sống như gỏi cá, rau sống và tiết canh. Gần đây, anh đau đầu, chóng mặt, kéo dài, phải vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám, bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm và chiếu chụp. Trên phim chụp, bác sĩ thấy người này nhiễm nhiều loại giun sán, đặc biệt là sán dây, ở cả não và trong cơ.

Tất niên cùng bạn bè, người đàn ông 50 tuổi tử vong do ăn tiết canh lợn.
Tất niên cùng bạn bè, người đàn ông 50 tuổi tử vong do ăn tiết canh lợn.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu - khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, nam bệnh nhân đến viện khi đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau mỏi cơ đùi phải. Các triệu chứng xuất hiện trước nhập viện một tuần.

Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện người đàn ông nhiễm nhiều loại giun sán, đặc biệt là sán dây. Kết quả chụp X-quang thấy có rất nhiều sán nằm ở các cơ. Bệnh nhân nói có sở thích ăn những món tái, sống như gỏi cá, rau sống và tiết canh.

Trước đó, bệnh nhân đã có 3 đợt điều trị sán cơ và sán não. Thói quen ăn uống trên là con đường đưa các loại giun sán thâm nhập vào cơ thể người đàn ông.

Tương tự, vào dịp giáp Tết Nguyên đán, cũng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do ăn tiết canh lợn. Đó là nam bệnh nhân 50 tuổi (ở Giao Thủy, Nam Định), có tiền sử khỏe mạnh.

Các bác sĩ chẩn đoán, nam bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, theo dõi do liên cầu lợn (Streptococcus suis). Dù được chăm sóc, điều trị tích cực, nhưng bệnh nhân đã tử vong do sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn có suy đa tạng, toan chuyển hóa - rối loạn đông máu nặng.

Liên cầu lợn là một vi khuẩn cư trú tự nhiên ở đường hô hấp trên, đặc biệt là amidan, khoang mũi, đường sinh dục và tiêu hóa của lợn khỏe mạnh hoặc bị bệnh. Bệnh lây nhiễm sang người qua tiếp xúc với vết thương hở trên da, ăn đồ tái sống..

Chuyên gia y tế khuyến cáo, để tránh mắc bệnh, những người chăn nuôi và giết mổ, chế biến thịt lợn cần nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, vệ sinh khi tiếp xúc, giết mổ chế biến thịt lợn như mặc quần áo bảo hộ, đi ủng, đeo găng tay; thường xuyên phun khử khuẩn chuồng trại, nơi giết mổ.

Người dân tuyệt đối không giết mổ, không ăn thịt lợn bệnh, lợn chết, tiết canh lợn, thịt lợn sống, thịt lợn tái chưa nấu chín kỹ. Lợn bệnh, lợn chết phải được tiêu hủy, chôn, phun thuốc khử trùng theo đúng quy định. Người tiêu dùng nên lựa chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y.