Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội giải đáp những vướng mắc cấp giấy phép cho lao động người nước ngoài

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 7/10, Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn Nghị định số 70/2023/NĐ-CP quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Tạo điều kiện tối đa cho tổ chức, cá nhân sử dụng lao động

Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; có hiệu lực từ ngày 18/9/2023.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, Nghị định số 70/2023/NĐ-CP có nhiều nội dung đổi mới. Ảnh: Trần Oanh.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, Nghị định số 70/2023/NĐ-CP có nhiều nội dung đổi mới. Ảnh: Trần Oanh.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, Nghị định số 70 của Chính phủ đã được Bộ LĐTB&XH dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu, sửa đổi nhiều nội dung theo hướng đổi mới, tạo điều kiện tối đa cho tổ chức, các nhân có nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài.

Trong đó, Nghị định 70 bổ sung nhiều điểm mới, thay đổi so với Nghị định 152/2020/NĐ-CP như: Báo cáo nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài; hồ sơ cấp giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài vào vị trí chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật…

Ông Phùng Quốc Vương -Trưởng phòng Quản lý lao động nước ngoài -Cục Việc làm phổ biến các nội dung mới của Nghị định số 70/2023/NĐ-CP.
Ông Phùng Quốc Vương -Trưởng phòng Quản lý lao động nước ngoài -Cục Việc làm phổ biến các nội dung mới của Nghị định số 70/2023/NĐ-CP.

Trưởng phòng Quản lý lao động nước ngoài của Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH Phùng Quốc Vương phổ biến các nội dung mới của Nghị định số 70/2023/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định số 70 nới yêu cầu đối với chuyên gia, giám đốc điều hành, lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Chuyên gia chỉ cần tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc dự kiến làm việc tại Việt Nam.

Giám đốc điều hành là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, DN được quy định với phạm vi rộng hơn. Lao động kỹ thuật nước ngoài chỉ cần được đào tạo ít nhất 1 năm và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí dự kiến làm việc tại Việt Nam.

Thời hạn báo cáo nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài được rút ngắn còn ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài (quy định cũ 30 ngày). Bộ LĐTB&XH hoặc Sở LĐTB&XH là các cơ quan có thẩm quyền ra văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người sử dụng lao động đã báo cáo.

Kể từ ngày 1/1/2024, các DN thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ LĐTB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập; thời hạn: trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến báo cáo giải trình.

Người lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều tỉnh, TP thì người sử dụng lao động phải báo cáo về Bộ LĐTB&XH và Sở LĐTB&XH – nơi người lao động nước ngoài làm việc. Nghị định 70 cũng bổ sung một số trường hợp lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc không cần xin giấy phép lao động…

Cần làm rõ thêm một số nội dung

Các đại biểu đại diện tổ chức, DN trên địa bàn TP tham dự Hội nghị đã gửi tới đại diện cơ quan soạn thảo Nghị định 70/2023/NĐ-CP hơn 100 câu hỏi theo các nhóm vấn đề để làm rõ thêm một số nội dung đang gặp vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như: Người lao động có nhu cầu thay đổi về thời hạn làm việc thì có cần báo cáo giải trình? DN tuyển dụng người lao động nước ngoài với hình thức làm việc di chuyển nội bộ; nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật; thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại… thì có phải đăng thông báo tuyển dụng hay chỉ đăng thông báo tuyển dụng với hình thức làm việc là hợp đồng lao động? Các trường hợp gia hạn giấy phép lao động có cần đăng thông báo tuyển dụng?

Sau khi kết thúc Hội nghị, nhiều đại diện DN nán lại đặt thêm câu hỏi cho chuyên gia và được giải đáp kịp thời. Ảnh: Trần Oanh. 
Sau khi kết thúc Hội nghị, nhiều đại diện DN nán lại đặt thêm câu hỏi cho chuyên gia và được giải đáp kịp thời. Ảnh: Trần Oanh. 

Đối với trường hợp người lao động nước ngoài không giữ giấy phép lao động và có đề nghị Sở LĐTB&XH xác nhận có giấy phép lao động thì giấy xác nhận đã cấp có sử dụng thay thế cho giấy phép lao động không? Người lao động nước ngoài làm việc tại các chi nhánh, địa điểm kinh doanh ở nhiều tỉnh, TP thì thẩm quyền tiếp nhận thủ tục hành chính liên quan đến người lao động nước ngoài do Bộ LĐTB&XH thực hiện có đúng không? Ai có thẩm quyền xác nhận bản sao hộ chiếu và nội dung thông tin xác nhận thể hiện như thế nào?...

Đại diện các tổ chức, DN đề xuất Sở LĐTB&XH Hà Nội có văn bản đề nghị Bộ LĐTB&XH có hướng dẫn thực hiện một số điểm vướng mắc nêu trên nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và phương pháp thực hiện. Qua đó giúp Nghị định 70 sớm đi vào đời sống và DN nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.