Hà Nội: Giáo viên tranh thủ nghiên cứu 5 bộ SGK mới khi học sinh đang nghỉ dài

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tranh thủ học sinh đang được nghỉ học dài ngày, nhiều phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường cho giáo viên nghiên cứu 32 cuốn sách trong 5 bộ sách giáo khoa (SGK) mới.

Sáng 11/2, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, nhiều lãnh đạo phòng GD&ĐT trên địa bàn TP Hà Nội cho biết, tranh thủ thời gian học sinh được nghỉ học kéo dài, ngoài việc triển khai các lớp học online - trực tuyến, nhiều trường đã bắt đầu họp tổ chuyên môn để nghiên cứu 5 bộ SGK mới đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, giáo viên có quyền tối cao trong việc chọn sách. Ảnh: Bảo Trọng
Bà Vũ Thị Thu Hà - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Long Biên cho hay, trong đợt giao ban các hiệu trưởng trường tiểu học đã yêu cầu nghiên cứu kỹ 5 bộ sách giáo khoa mới để nắm bắt xem bộ sách nào phù hợp nhất với đơn vị mình. Còn với các hiệu trưởng THCS, Phòng GD&ĐT được yêu cầu mở các lớp nghiệp vụ về công nghệ, hỗ trợ giáo viên về kỹ năng cho học sinh thi trắc nghiệm, tập trung khối lớp 8, 9.
Trao đổi cụ thể hơn, bà Nguyễn Thị Hằng - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Long Biên cho biết, trong 5 bộ SGK được phê duyệt, có bộ Cánh Diều đã được triển khai trên mạng internet, qua đó, các nhà trường sẽ nghiên cứu trên hệ thống điện tử, còn các bộ còn lại được nhà xuất bản gửi đến các trường trên toàn quận.
Đơn cử như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đơn vị này đã đến phòng GD&ĐT quận hỏi cụ thể địa bàn có bao nhiêu trường, sau đó gửi đủ các bộ sách đến để các cơ sở giáo dục tham khảo, nghiên cứu. Thống kê của Phòng GD&ĐT quận Long Biên, hiện toàn quận có 27 trường tiểu học công lập và 2 trường ngoài công lập, với hơn 3.000 giáo viên.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hằng, các phòng GD&ĐT được cấp có thẩm quyền hướng dẫn lựa chọn theo Thông tư 01/2020 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
“Dù thông tư này ngày 15/3 mới có hiệu lực nhưng chúng tôi được chỉ đạo sẽ lựa chọn theo tinh thần văn bản này, do đó, phòng đã chỉ đạo các trường làm dần, theo nguyên lý các tổ chuyên môn xem trước, sau đó lập hội đồng chọn sách và triển khai theo thẩm quyền của hội đồng” - bà Hằng nói thêm.
Cũng là chỉ đạo chủ động, phía Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì đã yêu cầu toàn trường trên địa bàn tổ chức cho các giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu 5 bộ SGK lớp 1 mới.
Ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì cho biết, hiện ở huyện có Nhà xuất bản Sư phạm đã cung cấp đầy đủ các bộ sách liên quan, qua đó, giáo viên các nhà trường thuận lợi trong việc tiếp cận, nghiên cứu. “Còn các bộ sách của các nhà xuất bản khác, chúng tôi đề nghị quét toàn bộ, sau đó đẩy lên hệ thống điện tử để các giáo viên nắm bắt” - ông Oanh cung cấp.
Ở huyện Gia Lâm, theo ông Hoàng Việt Cường - Trưởng Phòng GD&ĐT, cơ quan quản lý và chuyên môn rất quan tâm đến 5 bộ SGK mới, do đó, ngay từ ngày đầu của đợt nghỉ để học sinh phòng, chống dịch nCoV, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tập trung cho giáo viên nghiên cứu 32 cuốn sách đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt.
“Hiện huyện Gia Lâm mỗi trường chỉ có 1 bộ sách. Nếu được phát tận tay các bộ sách để giáo viên nghiên cứu thì thuận lợi hơn, nhưng làm như vậy sẽ khá tốn kém về tài chính. Bởi vậy, hiện toàn bộ giáo viên được hướng dẫn sử dụng hệ thống mạng để tham khảo thêm” - ông Cường cho biết thêm.
Liên quan đến nội dung này, sáng 11/2, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục lựa chọn SGK, các bộ phận liên quan đã áp dụng công nghệ, tạo các clip tóm tắt các nội dung chính của Thông tư 01, sau đó đẩy lên hệ thống internet.
“Thông tư 01 cơ bản là ngắn gọn và tập trung các nội dung chính về quy trình, nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa. Tuy nhiên, Vụ Giáo dục tiểu học vẫn tổ chức các hình thức hướng dẫn để các nhà trường, cơ sở giáo dục dễ hiểu hơn, dễ nắm bắt hơn” - ông Tài nói.
Nói về cách thức lựa chọn SGK, trong buổi làm việc mới đây với ngành giáo dục tỉnh Nam Định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý, phía Bộ đã có hướng dẫn, sở, phòng và các hiệu trưởng triển khai thật kỹ hướng dẫn này để đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng. “Quyết định cao nhất trong việc lựa chọn sách thuộc về giáo viên; hội đồng là trọng tài để minh bạch lựa chọn” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần