Hà Nội giữ vững vị thế “Lá cờ đầu” trong xây dựng nông thôn mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mười năm qua, với ý chí, quyết tâm cao, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của Nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân” đã được triển khai sâu rộng, đạt được kết quả toàn diện, về đích sớm nhiều chỉ tiêu quan trọng.

Hà Nội luôn giữ vững là “lá cờ đầu” của cả nước về thực hiện chương trình xây dựng NTM; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Nông thôn Hà Nội đã có sự thay đổi sâu sắc, cơ bản và toàn diện về kinh tế, xã hội, chất lượng cuộc sống và môi trường, góp phần rất lớn vào sự phát triển chung của TP.
1. Thủ đô Hà Nội triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM bên cạnh những thuận lợi, còn có nhiều khó khăn. Chương trình được triển khai vào thời điểm TP thực hiện mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, còn những khó khăn, thách thức mới: Diện tích, dân số khu nông thôn lớn (dân số khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ 60% dân số Thủ đô); có nhiều vùng đất đồi núi, xa trung tâm, chưa phát triển về hạ tầng kinh tế - xã hội; một số huyện mới được hợp nhất về Hà Nội còn khó khăn, thiếu nguồn lực cho đầu tư phát triển; nhiều xã còn thiếu đường giao thông, nước hợp vệ sinh, một số địa bàn chưa có điện, chưa có xã nào đạt chuẩn NTM.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm các gian hàng sản phẩm nông nghiệp huyện Gia Lâm. Ảnh: Phạm Hùng
Nhiều huyện thu nhập bình quân/đầu người năm 2008 chỉ dưới 10 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn tới trên 10%. Đời sống một bộ phận Nhân dân, nhất là vùng xa trung tâm, vùng miền núi còn rất khó khăn.
Trước những vấn đề thực tiễn đặt ra liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, với nhiều giải pháp đồng bộ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân Thủ đô. Trong đó, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tháng 3/2009, Ban Chỉ đạo T.Ư đã chọn xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) để chỉ đạo thí điểm xây dựng NTM, rút kinh nghiệm, nhân rộng toàn TP.
Tiếp đó, trong các nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ TP, Thành ủy luôn coi trọng vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vừa là mục tiêu, vừa là nguồn lực để xây dựng và phát triển Thủ đô bền vững. Thành ủy khóa XV (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đã ban hành Chương trình số 02-CTr/TU, ngày 29/8/2011 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011 - 2015”; Thành ủy khóa XVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020) tiếp tục ban hành Chương trình số 02-CTr/TU, ngày 26/4/2016 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” với nhiều mục tiêu cụ thể, tạo cơ sở thống nhất trong chỉ đạo triển khai.
Thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 03, ngày 21/4/2010 “Về xây dựng NTM TP Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020, định hướng 2030”.
UBND TP đã kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện; thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của TP; kiện toàn Hội đồng thẩm định và Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định địa phương đạt chuẩn NTM TP Hà Nội.
Công tác tuyên truyền và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp từ TP đến huyện, xã và thôn, xóm được quan tâm, chỉ tính riêng từ 2016 đến nay, đã có trên 20.000 lượt cán bộ được tập huấn, bồi dưỡng; 100% các xã đã bố trí một công chức xã chuyên trách theo dõi công tác xây dựng NTM; ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu trong công tác xây dựng NTM, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
2. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản của Chương trình, Hà Nội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo về cách thức chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở đã chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về mục tiêu, phương châm, cách làm; phát huy tối đa nội lực, không ỷ lại vào nguồn lực từ ngân sách; người dân nông thôn vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là người thụ hưởng những thành quả từ chương trình xây dựng NTM. Chính việc chú trọng tuyên truyền đã tạo được sự đồng thuận của đông đảo người dân nông thôn, tích cực tham gia xây dựng NTM với tinh thần tự nguyện và trách nhiệm cao.
Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng rất linh hoạt, sáng tạo, cụ thể hóa Nghị quyết bằng chương trình; đồng thời cụ thể hóa chương trình bằng các đề án, dự án, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Lựa chọn, chỉ đạo thực hiện các công việc có trọng tâm, trọng điểm; thường xuyên kiểm tra, động viên, đôn đốc cơ sở; định kỳ giao ban giữa Ban Chỉ đạo Chương trình của Thành ủy với ban chỉ đạo các huyện, thị xã để nắm tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Công tác quy hoạch, xây dựng đề án NTM được chỉ đạo bài bản, đi trước một bước, gắn với thực tiễn, đảm bảo dân chủ, sự đồng thuận, khoa học, có tính khả thi cao. Chọn dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch sản xuất làm khâu đột phá để phát triển sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên đầu tư các dự án phục vụ sản xuất như thủy lợi, giao thông nội đồng. Kế thừa tối đa các công trình hiện có kết hợp nâng cấp và xây dựng mới. Lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình là hạt nhân để vận động xây dựng NTM.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo, coi trọng việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; dân chủ, công khai, minh bạch những công việc trực tiếp liên quan đến lợi ích của cộng đồng và người dân, nhất là xây dựng quy hoạch, đề án NTM, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, quy hoạch sản xuất, dồn điền đổi thửa và đặc biệt là việc công nhận xã đạt chuẩn NTM... Đồng thời đã phát huy được vai trò giám sát, kiểm tra của người dân đối với việc thực hiện các dự án dân sinh trên địa bàn.
TP và các huyện, thị xã đã dành nguồn lực đáng kể từ ngân sách TP để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình thiết yếu về cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) cho xây dựng NTM. Tích cực tuyên truyền, vận động các quận nội thành, DN và Nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng NTM. Kịp thời xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn phù hợp với thực tế, thực hiện đơn giản, nội dung thiết thực, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân, huy động được nguồn lực xã hội tham gia xây dựng NTM.
Coi xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các cấp, phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” được đẩy mạnh, định kỳ sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm. Đồng thời đã biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật, có cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Chính sự chỉ đạo đầy quyết tâm, linh hoạt, sáng tạo của TP đã đem lại kết quả rất đáng khích lệ. Xây dựng NTM đã thực sự trở thành một phong trào rộng lớn, với sự tham gia tích cực và có hiệu quả của toàn dân. Công tác dồn điền đổi thửa được xác định là khâu đột phá để nâng cao hiệu quả, năng suất lao động trong sản xuất nông nghiệp (sau 3 năm từ 2012 - 2014, TP đã cơ bản hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa, với tổng diện tích 79.454,3ha/75.980,1ha (đạt gần 105% kế hoạch). Những công việc quan trọng và khó nhất trong xây dựng NTM đều được Nhân dân tích cực tham gia.
TP cũng đặc biệt chú trọng và có nhiều giải pháp cụ thể, khả thi để chủ động thu hút, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM; đã động viên được sự tham gia tích cực, nhiệt tình, tâm huyết của nhân dân. Tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư cho khu vực nông thôn của Hà Nội ngày càng tăng cao.
Giai đoạn 2010 - 2015, đạt 63.553 tỷ đồng, trong đó có 34.456 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM, đạt 170% kế hoạch. Vốn ngân sách Nhà nước đầu tư 23.573 tỷ đồng, ngân sách TP là 10.166 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động từ DN, Nhân dân đóng góp là 10.892 tỷ đồng. Thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy (khóa XVI), tính từ đầu năm 2016 đến hết quý II/2019, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình là hơn 41.986 tỷ đồng (ngân sách T.Ư là 58 tỷ đồng, ngân sách TP và cấp huyện, xã là trên 38.000 tỷ đồng; nguồn vốn huy động ngoài ngân sách là 3.849 tỷ đồng).
Hà Nội cũng là một trong số ít địa phương đi đầu cả nước về thực hiện chủ trương xã hội hóa, chủ động phát huy nội lực, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng NTM, trong đó có sự hỗ trợ của các quận nội thành xây dựng các công trình văn hóa, giáo dục ở các huyện. Trong đó, 12 quận đã hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí là 633 tỷ đồng. Ngoài ra, TP đã bố trí 750 tỷ đồng ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP tạo điều kiện cho các hộ vay vốn, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân nông thôn.
3. Sau 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy “về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân” đã đạt những kết quả nổi bật:
Ngành nông nghiệp Thủ đô đã có bước phát triển tích cực và toàn diện:
TP đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện mục tiêu: Phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa chuyên canh, tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trọng tâm là, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, phục vụ tốt yêu cầu sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản nông sản theo chuỗi.
Sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về nông nghiệp, tăng cường đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp...
Trong phát triển nông nghiệp, Hà Nội xác định công tác dồn điền đổi thửa là khâu đột phá, tạo tiền đề hình thành các vùng chuyên canh lớn và tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn TP đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa (như đã đề cập ở trên).
Sau dồn điền đổi thửa, đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, như các vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở hầu hết các huyện có quy hoạch sản xuất lúa, như: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn… cho giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống khoảng 25 - 30%. Phát triển nhiều vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng hoa, cây ăn quả; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tập trung quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao, lên đến hàng tỷ đồng trên 1ha canh tác. Tính trung bình, giá trị gia tăng ngành nông nghiệp giai đoạn 2010 - 2018 tăng trung bình 3,34%/năm.
Đã xây dựng được một số vùng chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tạo ra nhiều thương hiệu nông sản đặc thù của Thủ đô, với các sản phẩm truyền thống như: bưởi Diễn, cam Canh và nhiều sản phẩm mới có giá trị cao: bưởi tôm vàng Đan Phượng, bưởi đường Quế Dương, cam canh Kim An, bưởi Phúc Thọ, bưởi Chương Mỹ, bưởi Sóc Sơn, phật thủ Đắc Sở, nhãn muộn Đại Thành, nhãn muộn Hoài Đức, chuối Cổ Bi, chuối Vân Nam, ổi Đông Dư... không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn từng bước hướng tới thị trường xuất khẩu.
Các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được khuyến khích phát triển, hiện nay, toàn TP đã hình thành 135 mô hình liên kết chuỗi, đã giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, tạo nền tảng liên kết giữa DN với nông dân, bảo đảm cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định.
Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đạt kết quả đáng khích lệ. Đến nay, Hà Nội đã cấp được 99,21% Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân sau dồn điền đổi thửa, làm cơ sở quan trọng để các hộ nông dân liên kết, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Chỉ tính riêng trong hơn 3 năm gần đây, Hà Nội đã có thêm 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, giá trị sản xuất chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp toàn TP.
Nông thôn Hà Nội được phát triển theo quy hoạch, có nhiều khởi sắc; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; hệ thống chính trị được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đến hết năm 2015, Hà Nội là địa phương có số xã đạt chuẩn NTM đứng đầu cả nước, với 201/386 xã, bằng 52,07% số xã của TP, vượt chỉ tiêu kế hoạch của Chương trình đề ra 12,07%. Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM (2010 - 2015) Hà Nội có 56 xã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; huyện Đan Phượng được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Đến giai đoạn 2016 - 2020, bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM được điều chỉnh cao hơn so với giai đoạn trước, nhưng Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về thành tích xây dựng NTM. Chú trọng đổi mới phương pháp lãnh đạo, nhiều cách làm và biện pháp tiến hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả cao.
Đến nay, Hà Nội đã có 6 huyện là Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện NTM. Toàn TP đã có 325/386 xã (đạt 84,2%) đạt chuẩn NTM và 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung (huyện Đan Phượng) đạt chuẩn NTM nâng cao, về đích sớm 2 năm theo Chương trình số 02 của Thành ủy đã đề ra (80%). Trong số 61 xã còn lại, có 9 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí; 43 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí, không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí.
TP đã quan tâm chỉ đạo các huyện và các xã đã đạt chuẩn NTM tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, hướng đến xây dựng xã NTM tiêu biểu. Điển hình như huyện Đan Phượng với phong trào “Đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, Nhân dân đồng thuận”; huyện Thanh Trì với phong trào “Xây dựng NTM gắn với thực hiện năm trật tự văn minh đô thị và vệ sinh môi trường”… Kinh tế - xã hội khu vực nông thôn phát triển khá toàn diện, diện mạo nông thôn Thủ đô thực sự được đổi mới, khang trang, sạch, đẹp và có nhiều khởi sắc.
Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở được bê tông hóa đạt 100%; đường trục thôn và liên thôn được bê tông hóa đạt 95%; tỷ lệ thôn, xóm, cụm dân cư có nhà văn hóa đạt trên 80%. 100% số trạm y tế có bác sỹ và cơ bản đạt chuẩn quốc gia về y tế. Môi trường khu vực nông thôn được cải thiện. Hệ thống các trường học từ mầm non, tiểu học đến THCS, THPT đã được quan tâm đầu tư; đến nay, tiếp tục duy trì 386 xã đạt và cơ bản tiêu chí về giáo dục và đào tạo.
Chất lượng giáo viên, chất lượng dạy và học được nâng lên, đóng góp quan trọng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô. Hệ thống chính trị ở nông thôn tiếp tục được củng cố, dân chủ được mở rộng và phát huy; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố, vững chắc, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tốt hơn.
Đời sống vật chất và tinh thần nông dân Thủ đô được cải thiện rõ rệt, nhiều vùng được nâng cao.
Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tiếp tục tăng lên, năm 2010 đạt 13 triệu đồng, năm 2018 tăng lên 46,5 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm mạnh, từ 11,25% (năm 2011, theo chuẩn cũ), giảm xuống còn 2,57% (cuối năm 2017, theo chuẩn mới) và hiện là 1,81%, một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp là: Quốc Oai 0,46%, Gia Lâm 0,56%, Thanh Trì 0,99%, Đông Anh 1,15%…
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như điện, đường, trường, trạm, các thiết chế và hoạt động lễ hội, văn hóa, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển; nếp sống văn hóa ở các làng, xã có nhiều chuyển biến, tiến bộ, đặc biệt là tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội trang trọng, tiết kiệm và văn minh. Về những làng quê, nông thôn Hà Nội hôm nay, không ai có thể phủ nhận sự thay đổi lớn trên tất cả các lĩnh vực. Chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt, người dân vui mừng, phấn khởi vì những lợi ích thiết thực mà chương trình xây dựng NTM mang lại.
4. Thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, TP tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM; tiếp tục thực hiện Chương trình “Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM” theo tinh thần Kết luận số 54-KL/TW, ngày 7/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp Thủ đô theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm sạch, năng suất, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5 - 4%/năm trở lên; giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 250 triệu đồng/ha trở lên; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của TP. Chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, tạo vành đai xanh, gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường.
Triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách của T.Ư và TP đối với sản xuất nông nghiệp. Thực hiện Nghị quyết chuyên đề của HĐND TP về chính sách khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về nông nghiệp, thu hút các DN đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.
Đẩy mạnh mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; liên kết chặt chẽ 5 nhà (nhà khoa học, nhà quản lý, nhà DN, nhà nông nghiệp và người tiêu dùng), tổ chức hợp tác từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát phòng, chống dịch bệnh.
Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các huyện, xã đã đạt chuẩn NTM, phấn đấu đạt chuẩn xã và huyện NTM kiểu mẫu, nâng cao, góp phần phát triển vùng nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại. Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa về hạ tầng nông thôn gắn với định hướng phát triển đô thị. Huy động mọi nguồn lực, tăng cường xã hội hóa để đầu tư xây dựng NTM.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết chung sức xây dựng NTM và đô thị văn minh” gắn với phong trào xây dựng văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình của TP về giảm nghèo, về giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, về chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, hoàn thành chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo... Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập trung bình của người dân khu vực nông thôn Hà Nội đạt 49 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5% theo tiêu chí mới.
Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân; hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình điện, đường, trạm y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, hạ tầng thông tin, giải trí, thư viện khu vực nông thôn để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Đặc biệt quan tâm xây dựng làng văn hóa, cơ quan văn hóa; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
* * *
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, những kết quả nổi bật trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy khóa XV, XVI về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã góp phần rút ngắn khoảng cách về sự chênh lệch phát triển và mức sống giữa thành thị và nông thôn; vừa là tiền đề, động lực mạnh mẽ để Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện, bền vững.
Tự hào về những kết quả xây dựng NTM của TP Hà Nội trong 10 năm qua, chúng ta tin tưởng rằng, thời gian tới, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư; sự quyết tâm, sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận, tích cực tham gia của các tầng lớp Nhân dân, Chương trình xây dựng NTM của TP Hà Nội tiếp tục đạt được nhiều kết quả to lớn và toàn diện hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh.
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng