Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội góp sức người, sức của cho tổng tiến công giải phóng miền Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào mùa Xuân 1975, với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Thủ đô Hà Nội đã cùng hậu phương lớn miền Bắc tích cực chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam trong trận thắng cuối cùng.

Ngay từ năm 1973, qua 3 đợt động viên tuyển quân, Hà Nội đã có 4.563 thanh niên nhập ngũ; trên 4.000 tân binh được biên chế thành 7 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 59, Bộ Tư lệnh Thủ đô, làm nhiệm vụ xây dựng quân tăng cường chi viện chiến trường. Bước sang năm 1974, Đại hội đại biểu TP Hà Nội tháng 4 ra nghị quyết nhấn mạnh, phải đáp ứng mọi yêu cầu chi viện chiến trường, góp phần đưa sự nghiệp giải phóng miền Nam đến toàn thắng. Mặc dù có nhiều khó khăn mới nẩy sinh, số lượng tuyển quân lớn mà số thanh niên trong độ tuổi có hạn vì đã qua tuyển chọn nhiều lần… Trước tình hình đó, Thành ủy, Ủy ban và Hội đồng nghĩa vụ quân sự TP tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Bộ Tư lệnh Thủ đô quản lý tốt thanh niên trong độ tuổi; các đoàn thể thanh niên, phụ nữ làm tốt công tác động viên, Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ tuyển quân với 4.059 người, vượt yêu cầu đề ra. Cũng trong năm, các tiểu đoàn quân tăng cường của Hà Nội lần lượt lên đường bổ sung cho các chiến trường. Phát huy thế mạnh là nơi tập trung đông cán bộ, công nhân kỹ thuật nhiều ngành nghề, Hà Nội đã điều một số lớn lực lượng này sang phục vụ quốc phòng, phục vụ chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Riêng ngành GTVT đã có 200 cán bộ, công nhân viên, chủ yếu là thợ sửa chữa và lái xe cùng một xưởng trung tu ô tô được điều vào Nam. Nhiều cơ sở sản xuất ở TP làm việc liên tục chế tạo, sản xuất máy móc, phương tiện, hàng hóa phục vụ chiến trường. Theo yêu cầu của tỉnh Quảng Trị, Hà Nội đã sản xuất 2 xe ca mang nhãn hiệu “Ba Đình” và 2 tàu sông chở khách mang dòng chữ “Nhân dân Thủ đô gửi tặng đồng bào Quảng Trị anh em”…
Thanh niên Hà Nội trên đường hành quân vào miền Nam chiến đấu. (ảnh tư liệu)
Thanh niên Hà Nội trên đường hành quân vào miền Nam chiến đấu. (ảnh tư liệu)
Không chỉ chi viện sức người, Hà Nội còn tích cực chi viện các loại hàng kinh tế, quân sự khác. Ngay những năm còn chiến tranh phá hoại ác liệt, Hà Nội đã hình thành hệ thống các nhà máy, xí nghiệp chuyên phục vụ quốc phòng. Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo chuyên sản xuất phụ tùng xe “Gát” - loại xe dùng phổ biến trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn và Quân chủng Phòng không - Không quân; Nhà máy ô tô Hoà Bình nhận bảo dưỡng đột xuất nhiều xe của quân đội; các ngành dệt, da, may, nhuộm cũng tập trung phần lớn kế hoạch phục vụ bộ đội.... Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, nông dân các huyện ngoại thành luôn đáp ứng mọi yêu cầu của tiền tuyến lớn. Mỗi năm, hàng ngàn tấn thóc nghĩa vụ được nộp kho Nhà nước. Năm 1973, chỉ trong vòng 10 ngày, 4 huyện ngoại thành đã nộp 935 tấn thóc. Huyện Gia Lâm trong ngày hội giao lương đã nộp xong 439 tấn thóc.

Cao điểm chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy toàn miền Nam, Hội đồng chi viện quốc gia được thành lập do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, Hà Nội cùng với miền Bắc dồn sức đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu nhân tài, vật lực cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong khí thế chiến thắng vang dội ở Tây Nguyên, Hà Nội tưng bừng bước vào đợt tuyển quân đột xuất chi viện gấp rút cho công cuộc giải phóng miền Nam. Với chỉ tiêu tuyển gấp 7.000 tân binh, cả Thủ đô sôi nổi tiến hành đợt sinh hoạt chính trị lớn, cử người tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam. Phát huy truyền thống “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, hàng vạn thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự hăng hái đi khám sức khoẻ. Kết quả, 8.212 người trúng tuyển, trong đó có 5.500 chiến sĩ lên đường tham gia giải phóng miền Nam; trên 1.300 cán bộ chuyên môn kỹ thuật các ngành đã lên đường nhận nhiệm vụ. Một khối lượng lớn vật chất phương tiện như trang thiết bị trường học, dụng cụ sinh hoạt do Hà Nội sản xuất được vận chuyển cấp tốc vào các vùng mới giải phóng. Một số địa phương vừa được giải phóng đã được tiếp nhận ngay một số giống cây trồng và giống vật nuôi năng suất cao của Hà Nội chi viện...

Như vậy, trong 10 năm từ 1965 - 1975, với 29 đợt động viên tuyển quân, Hà Nội đã có hơn 89.000 thanh niên lên đường chiến đấu; đã tổ chức huấn luyện đưa 42 tiểu đoàn quân tăng cường cho chiến trường miền Nam. Nhiều đơn vị, nhiều cán bộ chiến sĩ đã lập công xuất sắc, trong đó, 14 đồng chí được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, 1.781 người được tặng danh hiệu Dũng sĩ, được tặng thưởng 14.846 huân chương các loại. Hơn 7.000 đồng chí - những người con của Hà Nội đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Những đóng góp của Thủ đô Hà Nội trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà có ý nghĩa lịch sử, “xứng đáng là Thủ đô anh hùng của cả nước”; đã góp phần vào thắng lợi vẻ vang của chiến tranh Nhân dân Việt Nam giành toàn thắng.