Huyện Ứng Hòa là nơi có truyền thống văn hóa, phong tục tập quán đậm đà bản sắc dân tộc, có nhiều danh thắng nổi tiếng. Trên địa bàn huyện có 433 di tích, trong đó có 68 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và 105 di tích được xếp hạng cấp Thành phố.
Đặc biệt, hầu hết các di tích xếp hạng cấp Quốc gia đều là những di tích lịch sử, văn hóa có từ lâu đời với kiến trúc cổ kính như đình Hoàng Xá, thị trấn Vân Đình (xếp hạng di tích Quốc gia năm 1962); đền Hữu Vĩnh, xã Hồng Quang (xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1991) …
Huyện Ứng Hòa còn có 64 lễ hội truyền thống, trong đó có những lễ hội mang tầm vóc Quốc gia như lễ hội Đền Đức Thánh Cả, xã Hồng Quang.
Bên cạnh đó, huyện Ứng Hoà còn có Bảo tàng và tượng đài Khu Cháy (xã Đồng Tân) vốn khu du kích đầu tiên của tỉnh Hà Đông (cũ); Bảo tàng quê hương chiếc gậy Trường Sơn, xã Hòa Xá, nơi lưu giữ những kỷ vật, đồ vật gắn với chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt trên địa bàn huyện Ứng Hòa còn lưu giữ An toàn khu xứ ủy Bắc Kỳ tại xã Trầm Lộng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng thông tin, nhằm thu hút du khách, huyện Ứng Hoà đã chủ động xây dựng 2 tuyến du lịch. Cụ thể, tuyến 1, tham quan Di tích Nhà bảo tàng khu Cháy, Đồng Tân – khu di tích Chùa Chòong, Đền Đông, Trầm Lộng – khu lưu niệm xóm Cộng Hòa, Viên Đình, thăm và tìm hiểu xuất sứ nghề làm đàn thôn Đào Xá, xã Đông Lỗ – nghề may áo dài Trạch Xá, xã Hòa Lâm.
Tuyến 2, thăm Nhà bảo tàng Chiếc gậy Trường Sơn, xã Hòa Xá – cảnh quan sông Đáy và đền Đức Thánh Cả, xã Hồng Quang - đình Hoàng Xá (thị trấn Vân Đình) và thưởng thức đặc sản vịt Vân Đình.
Để phát triển ngành kinh tế xanh, huyện Ứng Hoà đã quy hoạch phát triển khu du lịch tâm linh đền Đức Thánh Cả; khu du lịch làng nghề may áo dài Trạch Xá; khu du lịch sinh thái Làng Choòng; khu ẩm thực Vân Đình trở thành điểm du lịch đạt chuẩn đón du khách.
Thực tế cho thấy mặc dù huyện Ứng Hòa có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, làng nghề nhưng theo các chuyên gia để hút khách đòi hỏi địa phương xây dựng những sản phẩm khác biệt, gắn với khai thác các giá trị văn hoá, lịch sử, làng nghề… nâng cao chất lượng ứng xử văn minh du lịch cho người dân.
“Thời gian tới huyện Ứng Hòa nên liên kết với các huyện, địa phương lân cận xây dựng sản phẩm, dịch vụ theo vùng, theo tuyến. Cụ thể Trung tâm Hà Nội -Thanh Oai- Ứng Hòa- Mỹ Đức, hoặc kết nối liên tỉnh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình”- Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu đề xuất.
Dưới góc độ chuyên gia du lịch, Trưởng khoa Du lịch học (Trường Đại học KH&XHNV) TS Phạm Hồng Long cho rằng, để thu hút du khách quốc tế, huyện Ứng Hòa cần quy hoạch và nâng cấp hạ tầng, cảnh quan tại làng nghề hương Quảng Phú Cầu và làng nghề áo dài Trạch Xá qua đó tạo điều kiện du khách đến trải nghiệm, khám phá.
“Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ du lịch phụ thuộc rất nhiều vào nhân lực, chính là người dân địa phương. Để người dân có được kỹ năng, kiến thức làm du lịch thì cần phải được tập huấn, hướng dẫn và kết hợp cùng kinh nghiệm thực tế"-ông Long nhấn mạnh.
Việc Sở Du lịch Hà Nội hỗ trợ người dân huyện Ứng Hòa phát triển du lịch cộng đồng góp phần thúc đẩy ngành du lịch Hà Nội phát triển, đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân địa phương.