Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội - hậu phương lớn trọn nghĩa, vẹn tình

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 47 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chiến tranh đã lùi vào ký ức nhưng những bài học lịch sử quý báu về tinh thần đại đoàn kết toàn dân vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự.

Chi viện và “chia lửa” cùng tiền tuyến lớn, Hà Nội tự hào đã cùng các tỉnh miền Bắc - hậu phương lớn, có những đóng góp to lớn cả về sức người, sức của vì miền Nam ruột thịt, để ngày 30/4/1975, Tổ quốc vang khúc ca khải hoàn, non sông thu về một mối.

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao biểu trưng quà Tết, kinh phí hỗ trợ xây nhà cho công nhân, lao động khó khăn, hộ nghèo tỉnh Nam Định, tháng 1/2022. Ảnh: Nhật Nam
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao biểu trưng quà Tết, kinh phí hỗ trợ xây nhà cho công nhân, lao động khó khăn, hộ nghèo tỉnh Nam Định, tháng 1/2022. Ảnh: Nhật Nam

Sức mạnh kỳ diệu

Sau năm 1954, khi nước ta chuyển sang nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, để làm hậu phương vững chắc cho công cuộc giải phóng miền Nam, hàng chục phong trào thi đua nở rộ như "Sóng Duyên Hải" trong công nghiệp, "Gió Đại Phong" trong nông nghiệp, "Cờ Ba nhất" trong lực lượng vũ trang, "Hai tốt" trong trường học, "Thầy thuốc như mẹ hiền" trong ngành y tế, "Ba cải tiến" trong các cơ quan hay “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”…

Các phong trào này không những đã tạo ra rất nhiều cơ sở vật chất để chi viện cho tiền tuyến mà còn tạo ra khí thế thi đua giữa tiền tuyến với hậu phương, động viên những người con của hậu phương trực tiếp chiến đấu ở tiền tuyến. Trong đó, Hà Nội chính là một trong những hậu phương tiêu biểu, quan trọng nhất.

Theo GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc - Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, thời kỳ đó có hai phong trào được khởi phát từ Hà Nội đã thành làn sóng mãnh liệt trong cả nước, tạo nên sức mạnh kỳ diệu, huy động cao độ sức đóng góp vào công cuộc chống Mỹ cứu nước là phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” và phụ nữ “Ba đảm đang”.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, hàng chục vạn người con Thủ đô lên đường tòng quân chiến đấu khắp các chiến trường. Nơi hậu phương, Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Theo các tư liệu lịch sử, từ giữa năm 1964, Hà Nội dấy lên phong trào thi đua: “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”. Đặc biệt, ngày 9/8/1964, thanh niên Thủ đô đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng” với 260.000 đoàn viên thanh niên tham gia, mở đầu làn sóng thanh niên miền Bắc lên đường "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

Trong 10 năm (1965 - 1975), với 29 đợt động viên tuyển quân, Hà Nội có hơn 89.000 thanh niên lên đường chiến đấu; tổ chức huấn luyện đưa 42 tiểu đoàn quân tăng cường cho chiến trường miền Nam. Trong số họ, nhiều người đang ngồi trên ghế giảng đường, nhiều người đã là kỹ sư, bác sĩ... nhưng tất cả đều hăng hái vào chiến trường vì sự thôi thúc của trái tim, vì tinh thần của người Hà Nội, vì hào khí Thăng Long.

Dành cho miền Nam hàng vạn trí thức, Hà Nội cũng đón và đào tạo cho miền Nam những "hạt giống đỏ". 30 vạn sinh viên, học sinh là con em miền Nam đã được đào tạo thành các cán bộ chính trị, kỹ sư, bác sĩ, nghệ sĩ… để trở về miền Nam tiếp tục góp sức vào cuộc chiến đấu giải phóng quê hương, giành hòa bình, thống nhất.

Không những dành cho tiền tuyến những người lính ưu tú với phương châm "quân không thiếu một người", phong trào "Ba đảm đang" khởi phát từ Hà Nội cũng trở thành một phong trào nổi bật của phụ nữ cả nước. Trên quê hương của phong trào "Ba đảm đang", huyện Đan Phượng (TP Hà Nội), chủ tịch xã, đội khoa học kỹ thuật đều là phụ nữ. Phụ nữ tay cày, tay súng, chẳng quản ngại ngày đêm, thi đua tăng gia, sản suất. Ở xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) những ngày đó, phong trào thi đua rộn ràng như hội, năng suất lúa tăng lên đến 7 tấn/ha, cao nhất thời bấy giờ…

Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra, có một điều không thể không nhắc tới về vai trò hậu phương của Hà Nội là Thủ đô vững vàng từ sản xuất đến chiến đấu chính là nơi bao bọc an toàn cho "bộ não" của cuộc kháng chiến. Những quyết sách kịp thời, đúng đắn từ T.Ư tại Thủ đô Hà Nội là mấu chốt đem lại thắng lợi cuối cùng 47 năm về trước.

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc cho biết, Hà Nội không chỉ có những chiến công thầm lặng phía sau, mà chiến công và khí phách của người Hà Nội đã thể hiện đậm nét nhất, tạo thành kỳ tích chính là chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" của 12 ngày đêm năm 1972, buộc Chính phủ Mỹ khi đó phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng để cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thu non sông về một mối.

Truyền thống trở thành thương hiệu

Đi suốt chiều dài lịch sử, tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” trở thành truyền thống, tinh thần ấy đã thể hiện trong bảo vệ, xây dựng Thủ đô từ trước đến nay, làm nên một thương hiệu. 47 năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất nhưng bài học về phát huy sức mạnh hậu phương vẫn còn nguyên giá trị. Hôm nay, Thủ đô anh hùng vẫn vẹn nguyên tinh thần ấy với phương châm: Hà Nội sẵn sàng vì cả nước.

Theo TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, với tinh thần Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước, trong nhiều năm qua, TP đã có nhiều hoạt động thiết thực chi viện "chia lửa" với người dân cả nước, chung tay khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Nhớ lại hai năm vừa qua cũng vậy, khi dịch Covid-19 bùng phát, tiếp tục là một phép thử đối với bản lĩnh, phẩm chất và đã chứng tỏ được niềm kiêu hãnh của người Hà Nội khi không chỉ bảo vệ Thủ đô an toàn trước đại dịch mà còn chung tay đồng hành cùng cả nước vượt qua khó khăn.

Mặc dù gặp khó khăn do đại dịch, nhưng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 của Hà Nội vẫn tăng 2,92%, cao hơn mức trung bình cả nước là 2,58%. Nhiều chỉ số cũng tăng như kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt 16 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Quý I/2022 tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khả quan, nổi bật là GRDP tăng 5,83% so với cùng kỳ năm 2021, thu ngân sách trên địa bàn đạt 31,8% dự toán năm và tăng 15,6%. Đặc biệt, tăng trưởng khu vực dịch vụ của Hà Nội ước đạt 6,15%... Đây là những con số rất tốt để tạo đà quan trọng đưa TP tiếp tục phát triển.

Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn xác định trách nhiệm hợp tác với các tỉnh, TP trong vùng kinh tế trọng điểm và các địa phương trong cả nước, nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, tạo ra sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", hàng năm, TP đều tổ chức đoàn đoàn công tác, có các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho các tỉnh, TP trong cả nước; chi viện, "chia lửa" để chung tay khắc phục khó khăn khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Đặc biệt, những năm qua, khi dịch Covid -19 bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh, TP, với tấm lòng người Hà Nội, TP đã trích từ Quỹ “Cứu trợ phòng, chống dịch Covid-19” nhiều tỷ đồng để hỗ trợ TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam trong công tác phòng, chống dịch. Hà Nội cũng đã gửi tặng TP Hồ Chí Minh hệ thống xét nghiệm RT-PCR tự động 72 giếng cùng với máy tách chiết tự động 96 giếng và test chẩn đoán Covid-19…; dành 54 tỷ đồng hỗ trợ 18 tỉnh, TP phía Nam đang gặp khó khăn do dịch; gửi tặng TP Hồ Chí Minh 5.000 tấn gạo và tỉnh Bình Dương 1.000 tấn gạo… Khi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên bị thiệt hại do thiên tai, TP Hà Nội đã nhanh chóng phát động “Toàn dân tham gia ủng hộ miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ”…

“Khi nhìn hình ảnh nhiều đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên tình nguyện khối trường y, dược của Thủ đô gấp rút lên đường vào Nam, chi viện cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 với tâm thế “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” khiến không chỉ tôi mà nhiều người xúc động. Bởi những hình ảnh ấy đã gợi lại nhiều kỷ niệm trong lòng bao thế hệ đã đi qua một thời hoa lửa, khi Hà Nội luôn là một hậu phương vững chắc, sẵn sàng chỉ viện và “chia lửa” cùng chiến trường miền Nam năm xưa” - TS Nguyễn Viết Chức chia sẻ.