Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội, hỗ trợ địa phương phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 5/7, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp UBND huyện Thường Tín và xã Hồng Vân tổ chức Hội nghị tập huấn công tác xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn.

Huyện Thường Tín là một trong những địa phương có số lượng di tích đứng đầu Thủ đô với 462 di tích, công trình tín ngưỡng (trong đó 61 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và 65 di tích xếp hạng cấp TP), 126 làng nghề...

Nhằm khai thác thế mạnh, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, tâm linh gắn liền với làng nghề truyền thống, huyện Thường Tín đang tập trung xây dựng, hình thành và khai thác một số điểm, tuyến, tour du lịch đặc sắc.

Đến nay, huyện Thường Tín đã xây 3 điểm du lịch gồm: Du lịch sinh vật cảnh Hồng Vân, làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề lược sừng Thụy Ứng đã được UBND TP Hà Nội công nhận điểm du lịch của TP Hà Nội.

Khách du lịch thăm quan điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại xã Hồng Vân (Thường Tín). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch thăm quan điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại xã Hồng Vân (Thường Tín). Ảnh: Hoài Nam

Huyện Thường Tín đang tiếp tục xây một số làng nghề như nghề điêu khắc đá, gỗ (xã Hiền Giang), nghề sản xuất chăn ga gối đệm (xã Tiền Phong) và các xã Quất Động, Thắng Lợi, Dũng Tiến với nghề thêu truyền thống… Huyện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND TP Hà Nội công nhận điểm du lịch làng nghề của TP Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, mặc dù huyện Thường Tín đã có nhiều cố gắng trong phát triển du lịch nông nghiệp, nhưng cũng gặp một số khó khăn bất cập cần khắc phục. Cụ thể, nguồn nhân lực tham gia dịch vụ du lịch phát triển tự phát, chưa được đào tạo bài bản; Hạ tầng cho du lịch nhất là tại các làng nghề chưa được đầu tư nhiều do kinh phí hạn hẹp.

Các chính sách hỗ trợ người dân tham gia hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình OCOP và Chương trình xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Việc quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại, kết nối các tour, tuyến còn gặp nhiều khó khăn.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam

Nhằm hỗ trợ huyện Thường Tín nói riêng và các huyện ngoại thành nói chung phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Trung Hiếu cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiếp tục sáng tạo ra các sản phẩm mới lạ, độc đáo trên cơ sở tập trung vào thế mạnh của địa phương.

Đặc biệt, chú trọng khai thác và phát triển nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, làng nghề, nghề truyền thống gắn với nông nghiệp. Đồng thời khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch"; Xây dựng các mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể Nông dân - Hợp tác xã - Hộ kinh doanh - Doanh nghiệp.

Khách du lịch thăm quan điểm du lịch sinh thái xã Hồng Vân (Thường Tín). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch thăm quan điểm du lịch sinh thái xã Hồng Vân (Thường Tín). Ảnh: Hoài Nam

Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng phần mềm công nghệ thông tin để thu thập, xử lý các cơ sở dữ liệu về điều tra, đánh giá hiện trạng du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội phục vụ công tác quy hoạch, quản lý mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với nông thôn mới.  Ngoài ra xây dựng khung hướng dẫn chung phục vụ cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở chỉ đạo thực hiện, giám sát, đánh giá quá trình thực hiện các kế hoạch hành động.

Cùng với đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng, triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố...