Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp FDI phục hồi sản xuất kinh doanh hậu Covid-19

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội không chỉ tháo gỡ khó khăn mà còn tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư hồi phục sản xuất kinh doanh khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát. Đó là khẳng định của lãnh đạo TP Hà Nội tại Hội nghị "Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19" do Thành ủy, UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 19/10.

Với mong muốn thu hút nhiều nguồn lực vào Thủ đô, TP Hà Nội đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của TP. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Hà Nội đã thu hút được 6.625 dự án đầu tư nước ngoài đang còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký khoảng 48,7 tỷ USD.
Trong năm 2018 và 2019, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn tương ứng là 7,5 tỷ USD và 8,67 tỷ USD. Năm 2020, Hà Nội đứng thứ 3 cả nước với số vốn 3,83 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2021, mặc dù Thủ đô chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nhưng đã thu hút 1,28 tỷ USD vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19, TP Hà Nội đã ban hành và triển khai các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP Hà Nội đã hỗ trợ cơ cấu thời hạn trả nợ cho hơn 57,7 nghìn khách hàng với số dư nợ trên 75.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 189.000 khách hàng với số dư nợ hơn 335.000 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi tới 1,16 triệu tỷ đồng với hơn 103.000 lượt khách hàng. Hỗ trợ cho người lao động vay phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền 238 tỷ đồng.
“Trong lĩnh vực thuế, TP Hà Nội đã hỗ trợ gia hạn thời gian nộp đối với số thuế GTGT và gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất cho 29.700 doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Tổng số tiền trên 22.000 tỷ đồng. Không xử phạt đối với các trường hợp chậm nộp hồ sơ khai thuế nằm trong vùng cách ly... Ngoài ra, TP Hà Nội đã bố trí hơn 352 tỷ đồng để triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp theo kế hoạch năm 2021; bố trí 165 tỷ đồng hỗ trợ giá nước sạch. Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, TP vẫn duy trì đảm bảo thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu khẩn trương, thông suốt và an toàn” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ.
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hậu Covid-19
Tại hội nghị, các doanh nghiệp FDI có chung mong muốn được phép chủ động hơn về phương án chống dịch trong quá trình xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19.
Trả lời về những kiến nghị, lãnh đạo các sở QH&KT, TN&MT, Du lịch và Cục Thuế Hà Nội đã ghi nhận, tiếp thu cũng như giải đáp cụ thể, chi tiết những ý kiến, đóng góp của doanh nghiệp.
Trong đó, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, trên cơ sở các ý kiến của doanh nghiệp đưa ra, Cục Thuế Hà Nội nghiên cứu, kiến nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính để thời gian tới có giải pháp căn cơ, phù hợp, sát thực tiễn. Dự kiến, trong tháng 11, Cục Thuế Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp FDI triển khai những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Thị Hương Giang nêu rõ, TP Hà Nội đã cho phép các khách sạn trên địa bàn được đón khách lưu trú nhưng không quá 50% công suất theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp về việc cho phép đơn vị được chủ động xét nghiệm Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 đã đưa ra 4 cấp độ dịch thông qua 3 tiêu chí đánh giá gồm: Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỷ lệ tiêm đủ liều); khả năng thu dung, điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung).
Các doanh nghiệp trên cơ sở Nghị quyết số 128/NQ-CP và văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế từ đó chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, phòng chống Covid-19 phù hợp thực tế được TP phê duyệt. Nếu có trường hợp F0, doanh nghiệp chỉ phải khoanh vùng khu vưc nhiễm bệnh, khử khuẩn sau 24 giờ có thể hoạt động trở lại.
Với kiến nghị cho phép kéo dài thời gian xét nghiệm Covid-19 từ 72 giờ tăng lên thành 7 ngày. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, hiện Bộ Y tế chưa cho phép kéo dài thời gian, nguyên nhân là do chủng Delta rất nguy hiểm thời gian phát bệnh chỉ 3-4 ngày.
 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, KCN Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trả lời về những kiến nghị cần thông thoáng hơn trong việc cấp giấy phép cho lao động nước ngoài tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh nêu rõ, Chính phủ đã có Nghị định 152/2020 NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, và tuyển dụng quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Trong Nghị định đã nêu rõ trước ít nhất 15 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam, người nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động gửi Bộ LĐTB&XH  hoặc Sở LĐTB&XH nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc. Sau 3-5 ngày nhận được hồ sơ Bộ LĐTB&XH sẽ cấp  giấy phép lao động.
Nhằm hạn chế tối đa việc lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị nhiễm Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi Công điện về thiết lập đầu mối liên lạc, và thực hiện chủ trương tiêm vaccine phòng Covid-19 đối với người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nêu rõ, để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19 đòi hỏi các bộ ngành phải xây dựng tiêu chí nhất định để DN lấy đó làm cơ sở xây dựng kế hoạch phù hợp. Ngoài ra TP Hà Nội trong quá trình phục hồi kinh tế cần phải tạo ra đột phá như kinh tế số, dịch vụ chất lượng cao, đẩy mạnh cải cách hành chính, đồng thời có chính sách thu hút FDI chất lượng cao. Trong quá trình xây dựng kế hoạch cần lấy ý kiến DN để các DN căn cứ vào kế hoạch của Hà Nội xây dựng phương án phục hồi. Hà Nội cần đẩy mạnh đầu tư công vào hạ tầng cơ sở, đơn giản hóa thủ tục để dòng tiền FDI đầu tư vào thị trường. 
 Các doanh FDI tham gia hội nghị ''Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19''
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tập trung triển khai 5 nhóm nhiệm vụ.
Thứ nhất, chủ động nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp với nhiều hình thức phù hợp; tập trung giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay các kiến nghị liên quan; triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố.
Thứ hai, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác của TP về hỗ trợ doanh nghiệp năm 2021 và giai đoạn đến năm 2025; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục, chú trọng các dự án đầu tư lớn có nguồn vốn cả trong và ngoài ngân sách. Đặc biệt tích cực thực hiện các nhiệm vụ của Tiểu ban Sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa thuộc Ban Chỉ đạo của TP Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19; tập trung thực hiện Kế hoạch triển khai Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Thứ ba, tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thứ tư, các sở, ngành đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của đề án, chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý.
Thứ năm, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, các thủ tục hành chính thuộc các ngành như: Quy hoạch, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, y tế... ; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đề xuất các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, TP Hà Nội sẽ ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19; Kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, trong các khu, cụm công nghiệp và các địa phương. Tạo chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Chuẩn bị tốt các điều kiện để đón làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư trên thế giới và trong khu vực trong giai đoạn hậu Covid-19.

 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền