Triển khai kế hoạch trên, hàng năm, Sở NN&PTNT và một số sở ngành liên quan của Hà Nội đều có văn bản tổ chức triển khai. Một số quận, huyện đã xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí kinh phí thực hiện. Điển hình trong đó có một số huyện như: Đông Anh, Chương Mỹ... đã xây dựng và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản bằng mã QR code của huyện trên nền tảng hệ thống truy xuất nguồn gốc của TP.
Sở NN&PTNT đã giao các đơn vị tập trung tuyên truyền, tập huấn nội dung pháp luật về truy xuất nguồn gốc và Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản bằng mã điện tử QR code đến người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng. Tổ chức in và phát miễn phí 20.000 tờ rơi tuyên truyền về truy xuất nguồn gốc, hướng dẫn sử dụng hệ thống.
Hàng vạn nông sản hàng hóa của các doanh nghiệp được Hà Nội hỗ trợ truy xuất nguồn gốc. Ảnh minh họa. |
Sở NN&PTNT đã thiết kế số ghi chép truy xuất nguồn gốc theo quy định tại Thông tư 11/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT về Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chợ đầu mối nông sản, chợ đấu giá nông sản. In 3.000 cuốn sổ tay truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai).
Cùng với đó, tổ chức 53 lớp tập huấn cho các đối tượng quản lý cấp Sở, UBND các quận, huyện; người sản xuất, kinh doanh tại 2 chợ đầu mối, người sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, người tiêu dùng trên địa bàn TP; cùng 4 cuộc hội thảo chuyên đề mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm tuyên truyền, vận động người sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản...
Đặc biệt, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE) trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cung cấp giải pháp, phần mềm sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả”, được thiết kế bằng công nghệ CheckVN của IDE, với địa chỉ tên miền www.hn.check.vn (check.gov.vn). Đến nay, hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm Hà Nội đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 2.854 cơ sở (tăng 740 cơ sở so với năm 2018) là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản; 766 cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp biển nhận diện trái cây an toàn.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng đã hoàn thiện thủ tục quản lý và minh bạch thông tin của 653 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, 238 doanh nghiệp trên 35 tỉnh thành khác, với 8.702 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống (tăng 4.140 mã so với năm 2018). Qua đó, góp phần đạt chỉ tiêu 100% sản phẩm của 141 chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn đã sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc khi lưu thông ra thị trường; 80,5% các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành có sử dụng mã QR code phục vụ truy xuất nguồn gốc...