Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội hỗ trợ người lao động mất việc làm

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Để hỗ trợ người lao động mất việc do DN bị cắt giảm đơn hàng, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã liên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm, rà soát nắm tình hình hoạt động của DN để có biện pháp kịp thời.

Liên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm

Những tháng cuối năm 2022, tại một số tỉnh trên địa bàn cả nước xuất hiện tình trạng DN gặp khó khăn do bị cắt giảm đơn hàng. Báo cáo của các cấp công đoàn, từ tháng 9 đến ngày 10/12/2022, có trên 482.000 người lao động bị thiếu việc, nghỉ việc, luân phiên, chấm dứt hợp đồng lao động; trong đó có trên 41.600 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. Tại Hà Nội, thống kê từ các quận, huyện, thị xã, tính đến ngày 15/11/2022 có 31 DN tương đương với 13.016 người lao động (dệt may, điện tử, cơ khí,…) phải giảm giờ làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

Người lao động đang tìm hiểu thông tin tại Phiên Giao dịch việc làm lưu động quận Nam Từ Liêm do Sở LĐTB&XH Hà Nội phối hợp với UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức. Ảnh: Trần Oanh.
Người lao động đang tìm hiểu thông tin tại Phiên Giao dịch việc làm lưu động quận Nam Từ Liêm do Sở LĐTB&XH Hà Nội phối hợp với UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức. Ảnh: Trần Oanh.

Trước tình hình đó, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tham mưu và tổ chức nhiều giải pháp và biện pháp để hỗ trợ người lao động sớm có việc làm và người sử dụng lao động. Chẳng hạn như thường xuyên rà soát để nắm tình hình biến động lao động, đặc biệt là cắt giảm lao động tại các DN thiếu đơn hàng, giảm giờ làm để có biện pháp kịp thời bảo đảm quyền lợi cho người lao động… Trong đó, thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày, phiên giao dịch việc làm chuyên đề tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội và 14 điểm sàn vệ tinh trên địa bàn TP với nhiều chỉ tiêu tuyển dụng để giúp người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động sớm quay trở lại thị trường lao động. Cụ thể, tại phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho bộ đội xuất ngũ, các DN tuyển dụng trên 1.900 chỉ tiêu với đa dạng vị trí, ngành nghề, với các mức lương hấp dẫn tùy theo từng vị trí công việc.

Những người có nhu cầu tìm việc khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ được các cán bộ tư vấn, kết nối với doanh nghiệp tuyển dụng. Ảnh: Trần Oanh. 
Những người có nhu cầu tìm việc khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ được các cán bộ tư vấn, kết nối với doanh nghiệp tuyển dụng. Ảnh: Trần Oanh. 

Và, ngay khi vừa bước sang năm mới 2023, vào ngày 4/1, Sở LĐTB&XH Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức Phiên Giao dịch việc làm chuyên đề việc làm bán thời gian với sự tham gia của 30 đơn vị, DN tham gia tuyển dụng khoảng 2.000 chỉ tiêu, trong đó hơn 500 chỉ tiêu tuyển dụng nhân viên làm việc partime. Các vị trí việc làm đa dạng ngành nghề bán thời gian như nhân viên bán hàng, giao nhận, thu ngân, tạp vụ, dọn vệ sinh,… “Phiên giao dịch việc làm chuyên đề việc làm bán thời gian là cơ hội dành cho người lao động nói chung và học sinh, sinh viên trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng sẽ được tư vấn miễn phí, cung cấp thông tin thị trường lao động về việc làm thêm, việc làm bán thời gian trước Tết Nguyên đán năm 2023 có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống góp phần đảm bảo an sinh xã hội” – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho hay.

Doanh nghiệp sẵn sàng tuyển người lao động mất việc

Có một thực tế đang diễn ra tại Hà Nội đó là nhiều DN đang cần nhiều người lao động, lên tới 2.000 chỉ tiêu nhưng lại thiếu nguồn tuyển. Trong khi đó, có những DN ở Hà Nội và các tỉnh phải chấm dứt hợp đồng lao động do thiếu đơn hàng thì người lao động đang lo lắng tìm công việc mới. Trước tình hình này, các DN khi tham gia phiên giao dịch việc làm bày tỏ được tuyển dụng người lao động bị mất việc. Đơn cử, Công ty Cổ phần KJVC Việt Nam chuyên về tuyển sinh du học và làm việc tại Nhật Bản có nhu cầu tuyển 500 người, mức lương tùy thuộc vào công việc từ 28 – 32 triệu đồng/người, chưa tính làm thêm giờ.

Sở LĐTB&XH Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày, lưu động, chuyên đề để hỗ trợ người lao động tìm việc. Ảnh: Trần Oanh.
Sở LĐTB&XH Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày, lưu động, chuyên đề để hỗ trợ người lao động tìm việc. Ảnh: Trần Oanh.

Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần KJVC Việt Nam Trần Hà Văn đã có chia sẻ: Chúng tôi luôn chào đón và có chương trình phối hợp với các DN. Hiện nay, chúng tôi đã liên hệ với nhiều DN ở Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Bình Dương. Những trường hợp người lao động nghỉ việc vẫn đủ điều kiện đi làm việc ở Nhật Bản; bởi các DN nước đối tác tuyển ứng viên từ 18 - 40 tuổi, thậm chí có những đơn hàng lấy người 42 – 45 tuổi. Trường hợp người lao động trên 35 tuổi là nữ có thể làm công việc đóng gói hàng, nông nghiệp, may mặc, dệt, giặt là, điều dưỡng; lao động nam làm nghề cơ khí, xây dựng.

Cùng với việc tuyển dụng người lao động làm công việc toàn thời gian thì các DN cũng có nhu cầu lao động làm việc bán thời gian, với đối tượng là những người bị chấm dứt hợp đồng lao động, sinh viên. “Công ty tôi sản xuất giấy ăn và giấy vệ sinh bị ảnh hưởng bởi dịch ít hơn các DN khác. Để có nguồn lao động sản xuất theo đơn hàng của năm 2023, chúng tôi mong muốn tuyển dụng lao động mất việc ở Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long. Hiện tại đã có một số người lao động liên hệ với tôi và nói đang sắp xếp việc gia đình rồi sẽ gọi điện lại để sau Tết đi làm. Tuy nhiên cũng có người lao động băn khoăn khi phải di chuyển xa và họ hy vọng ra Tết DN cũ sẽ có đơn hàng để được quay trở lại làm việc” – ông Trương Minh Hòa - Giám đốc Công ty Minh Anh cho hay.

Các chuyên gia lao động dự báo, tình hình hoạt động của DN đầu năm 2023 có thể tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lao động bị cắt giảm giờ làm, mất việc có thể kéo dài đến hết quý 1 năm 2023. Vì thế, các chuyên gia đề nghị cần tăng cường chuỗi liên kết với các DN để cập nhật thông tin và cân đối lao động. Nhà nước cần có chính sách giãn hoặc hoãn các khoản vay nợ ngân hàng, hỗ trợ lãi suất để DN tiếp tục duy trì hoạt động.

TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH cho rằng, biện pháp tích cực nhất là phát huy vai trò chủ động của DN và có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước. Cũng có thể là sản xuất sản phẩm phụ, tạm thời để giữ người lao động lại cho đến khi thị trường cũ phục hồi, tiếp tục có hơn hàng để có sẵn người lao động làm việc tốt hơn./.