Trường THCS nào tổ chức thi để tuyển sinh?
Hướng dẫn tuyển sinh của Sở GD&ĐT Hà Nội nêu rõ các nguyên tắc tuyển sinh lớp 6, trong đó các trường THCS công lập sẽ tổ chức xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định.
Riêng những trường THCS được UBND TP công nhận là trường chất lượng cao có thể lựa chọn phương thức tuyển sinh là xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực.
Trên địa bàn TP Hà Nội, có 2 trường THCS trực thuộc đại học có thi tuyển đầu vào lớp 6 gồm: THCS Ngoại ngữ (thuộc Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội), hệ THCS của Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (thuộc ĐH Sư phạm Hà Nội).
Ngoài ra, hiện có 6 trường THCS chất lượng cao có tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực để tuyển sinh lớp 6, gồm: Trường THCS Cầu Giấy, Trường THCS Thanh Xuân, Trường THCS Lê Lợi – Hà Đông, Trường THCS Nam Từ Liêm, Trường THCS Chu Văn An – Long Biên và hệ THCS trực thuộc Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Cùng với đó, một số trường tư thục chất lượng cao như Ngôi Sao, Archimedes, Lương Thế Vinh, Newton, Đoàn Thị Điểm, Marie Curie, Lômônôxôp, Lê Quý Đôn, Lý Thái Tổ, Nguyễn Siêu… cũng tổ chức kiểm tra năng lực để tuyển sinh lớp 6.
Hầu hết các trường tuyển sinh thông qua phương thức xét tuyển học bạ cấp tiểu học kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực 3 môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh.
Kỳ kiểm tra năng lực lớp 6 các trường chất lượng cao được đánh giá rất căng thẳng khi số lượng thí sinh dự thi đông, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh rất hạn chế.
Trường THCS Cầu Giấy hàng năm có trên dưới 100 phòng thi với hơn 2.000 thí sinh thi tuyển để tuyển 440 em; trường THCS Thanh Xuân, Nam Từ Liêm… có số thí sinh dự thi cũng rất lớn.
Các trường áp dụng 2 phương thức xét tuyển là xét học bạ kết hợp điểm kiểm tra đánh giá năng lực.
Nhìn chung, quy định về học bạ của học sinh dự thi vào các trường chất lượng cao đều rất chặt chẽ khi yêu cầu phần lớn điểm 8, 9, 10. Với trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, điểm học bạ tiểu học là điều kiện sơ tuyển. Thí sinh chỉ đủ điều kiện dự thi khi “Hoàn thành xuất sắc” 5 năm, trong đó chỉ được phép có tối đa 3 điểm 9 trong 17 đầu điểm. Sau khi qua được vòng hồ sơ, số thí sinh tham gia dự thi còn khoảng 3.000 em và thi tuyển để lấy 200 chỉ tiêu.
Nếu phụ huynh nào đã từng đưa con đi thi lớp 6 trường chất lượng cao, chắc hẳn chẳng thể quên được cảm giác ngộp thở trước đông đảo “chiến binh” tại các điểm tổ chức thi. Đa số đều mang theo tinh thần quyết tâm rất cao, những mong đỗ vào trường THCS mình và bố mẹ mình mong muốn.
Học cả ngày, cả tuần để ôn luyện
Đặc thù cấp tiểu học là học bán trú cả ngày. Trong khi đó, muốn có cơ hội đỗ vào các trường chất lượng cao có thi tuyển, tâm lý phụ huynh và học sinh là phải ôn thi theo định hướng của từng trường.
"Đề thi vào trường nào cũng khó nên chỉ học trên lớp là không đủ mà phải tìm các lớp học thêm cho con để tăng kiến thức, rèn luyện kỹ năng thi cử. Hàng tuần tôi cho con học thêm 3 buổi Toán, Tiếng Việt và tiếng Anh tại trung tâm; thời gian vào lớp là 18 giờ và học liền 3 tiếng đến 21 giờ mới tan”, chị Lê Quế Vân, trú tại quận Cầu Giấy chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Thuận, nhà ở Hà Đông cho biết, mỗi tuần, có vài buổi anh và con phải đi vài chục cây số đến lớp học thêm và khi hai bố con có mặt ở nhà thì đồng hồ chuẩn bị báo 22 giờ. Không chỉ vậy, hai ngày nghỉ cuối tuần, lịch học thêm vẫn kín đặc.
“Con học ở trường khoảng hơn 4 giờ chiều là tan. Đón con về nhà ăn uống qua loa, 2 bố con lên đường từ Hà Đông lên Cầu Giấy học thêm. Tuần con học 3 môn Toán, Ngữ văn, ngoại ngữ nhưng có môn, con học ở 2 nơi...”, anh Thuận nói.
Cũng theo anh Thuận, việc đi ôn luyện như trên là mong muốn và đề xuất của con anh. Con rất thích trường chất lượng cao và nhờ bố tìm lớp, tìm thầy. Nguyện vọng của con đến đâu thì bố mẹ cố gắng đáp ứng đến đấy. Tỷ lệ chọi vào các trường chất lương cao rất đông nên các con thực sự vất vả, áp lực. Mỗi dịp thi cuối kỳ; các con vừa phải học và thi trên lớp vừa phải hoàn thành bài tập ở lớp học thêm.
Qua tìm hiểu được biết, rất ít học sinh có nguyện vọng thi lớp 6 chất lượng cao mà không tìm lớp ôn luyện và thông thường, cùng một công ôn tập, các cha mẹ có xu hướng cho con thi nhiều trường chất lượng cao, vừa để thử sức, vừa để tăng cơ hội đỗ và vừa khẳng định giá trị bản thân.
“Năm nay, tôi dự kiến đăng ký cho con thi 4 trường THCS gồm: Ngoại ngữ, Cầu Giấy, Nguyễn Tất Thành và Ngôi sao Hoàng Mai. Hiện con đã thi xong và đỗ Trường Ngôi sao Hoàng Mai nhưng tôi vẫn tiếp tục cho con ôn tập để thi 3 trường còn lại. Nếu trường Ams được phép tuyển sinh lớp 6 năm nay thì tôi cũng cho con thử sức”, chị Thúy Nga, quận Cầu Giấy bày tỏ.
Trong số học sinh lớp 5 có xu hướng ôn và thi chất lượng cao năm nay, không ít học sinh muốn thi vào Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam vì cho rằng, đó là mục tiêu khó nhất, cao nhất cần chinh phục.
“Con tôi rất muốn thi lớp 6 trường Ams nhưng nếu không được thi thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến con cũng như lộ trình học tập vì cách thức ôn thi của con vẫn vậy, vẫn phải miệt mài ở các trung tâm ôn luyện. Con có phần tập trung nhiều hơn vào tiếng Anh và riêng với môn học này, một tuần tôi cho con học thêm 2 buổi”, phụ huynh Nguyễn Thị Thanh cho biết.
Về vấn đề này, các chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu con có năng lực thì việc phụ huynh động viên, tạo điều kiện cho con thi trường chất lượng cao là tốt vì tại đó, các con có môi trường học tập đồng đều. Tuy nhiên, bố mẹ cũng nên đặt sức khỏe của con lên hàng đầu; đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con.
Với những học sinh không thích thi, luôn phản đối các kỳ thi thì không nên bắt ép, dọa nạt con thi bằng được để tránh gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thể chất, tinh thần của con. Suy cho cùng, không có ngôi trường tốt nhất mà chỉ có ngôi trường phù hợp nhất với con mình.