Theo đó, Nghị quyết đặt mục tiêu cụ thể là huy động được các nguồn viện trợ quốc tế đạt tỷ lệ tối thiểu 25% tổng chi phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào năm 2020; huy động tối thiểu 80% doanh nghiệp chủ động bố trí kinh phí triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại DN theo cơ chế, chính sách của Nhà nước vào năm 2020. Hàng năm, ngoài các nguồn huy động, ngân sách TP sẽ bố trí kinh phí bảo đảm hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo kế hoạch của T.Ư và TP; đảm bảo 100% số người nhiễm HIV có thẻ BHYT được chi trả theo quy định vào năm 2020; tăng nguồn thu từ một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để tự cân đối thu-chi cho các hoạt động của các dịch vụ này; đảm bảo quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí huy động được theo quy định của ngành.
|
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền trình bày tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết về việc ”Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020” thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND Thành phố |
Có 3 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện, gồm giải pháp về huy động kinh phí, giải pháp về quản lý sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí và giải pháp về nâng cao năng lực quản lý chương trình nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí.
Về kinh phí thực hiện Đề án, tổng nhu cầu kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2018-2020 để thực hiện được 4 đề án của chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS là 488 tỷ 566 triệu đồng; tổng kinh phí huy động từ nguồn ngân sách TP bảo đảm cho hoạt động phòng, chống HIV/ADIS giai đoạn 2018-2020 là 76 tỷ 141 triệu đồng.
Để tổ chức thực hiện, HĐND TP giao UBND TP xây dựng kế hoạch cụ thể trình HĐND TP quyết định dự toán ngân sách TP cho công tác này hàng năm đảm bảo phù hợp khả năng cân đối ngân sách và quy định pháp luật; chỉ đạo các sở ngành đoàn thể liên quan tổ chức tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn TP biết, thực hiện.
Trước đó, theo Tờ trình số 177 của UBND TP đề nghị ban hành nghị quyết này, do Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền trình bày tại Kỳ họp, nội dung của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS bao gồm 4 đề án của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS: Đề án Dự phòng lây nhiễm HIV (gồm các chương trình thông tin, giáo dục, truyền thông; tiếp cận cộng đồng; Methadone; tư vấn xét nghiệm HIV); Đề án Chăm sóc và điều trị toàn diện HIV/AIDS (gồm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, điều trị lao/HIV, chăm sóc điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS, điều trị ARV); Đề án Tăng cường năng lực (gồm năng lực tổ chức, điều hành và phân tích chính sách, tăng cường năng lực đảm bảo nguồn tài chính cho việc thực hiện mục tiêu chiến lược, tăng cường năng lực cho nguồn nhân lực phòng chống HIV/AIDS, tăng cường năng lực cho nguồn nhân lực phòng chống HIV/AIDS, tăng cường năng lực cung ứng thuốc, sinh phẩm, vật tư và trang thiết bị, cơ sở hạn tầng kỹ thuật); Đề án Theo dõi, giám sát, đánh giá (gồm giám sát phát hiện HIV, giám sát trọng điểm HIV, giám sát trọng điểm lồng ghép hành vi, quản lý chất lượng phòng xét nghiệm, điều tra, giám sát chuyên biệt).
Nguồn chi phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2008-2016 chủ yếu do các dự án tài trợ (chiếm 80,4% tổng nguồn kinh phí chi cho hoạt động chuyên môn phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2008-2016). Theo lộ trình đến hết 2018, các dự án tài trợ sẽ cắt giảm, không hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS mà dần chuyển sang hình thức hỗ trợ gián tiếp, dẫn đến khó khăn cho việc duy trì, triển khai phòng, chống HIV/AIDS.
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà: Việt Nam hiện có số người nhiễm HIV/AIDS đứng thứ 5 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó tại Hà Nội đến hết tháng 9/2017 có 20.033 người nhiễm HIV/AIDS đang còn sống và 4.683 bệnh nhân đã tử vong do nhiễm HIV/AIDS. Đây là con số rất cao, trong khi nguồn chi cho phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2008-2016 chủ yếu là các nguồn tài trợ, viện trợ; nhưng theo lộ trình đến hết 2018, các nguồn này sẽ không trực tiếp tài trợ, viện trợ cho chương trình này nữa mà chỉ gián tiếp cho các công tác tuyên truyền... Theo UBND TP, tình hình HIV/AIDS vẫn diễn biến rất phức tạp, trong khi đến tháng 7/2017, Hà Nội là 1 trong 9 tỉnh TP chưa phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án. Vì vậy, việc thông qua Nghị quyết này là rất cần thiết để Hà Nội thực hiện, trong đó giao UBND TP xây dựng kế hoạch cụ thể trình HĐND TP quyết nghị dự toán ngân sách TP cho công tác này hàng năm để đảm bảo phù hợp khả năng cân đối ngân sách của địa phương trên địa bàn Hà Nội, đồng thời có thêm nguồn huy động từ các tổ chức khác trong và ngoài nước. |