Hà Nội: Khánh thành hầm chui Lê Văn Lương, gỡ rối nút thắt giao thông

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hầm chui Lê Văn Lương – Tố Hữu sẽ giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông, tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian cho phương tiện lưu thông qua nút giao. Tuy nhiên, cần có nhiều giải pháp đồng bộ để có thể phát huy hết hiệu quả đầu tư của dự án.

Nỗ lực vượt khó

Sáng nay (5/10), Ban QLDA Đầu tư, xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội tổ chức Lễ khánh thành Hầm chui Lê Văn Lương nằm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân sau 2 năm thi công. Dự án có tổng mức đầu tư 698 tỷ đồng.

Tới dự có Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương, cùng đại diện các sở, ban, ngành.

Sáng 5/10, hầm chui Lê Văn Lương được khánh thành đưa vào sử dụng, với tổng mức đầu tư 698 tỷ đồng.
Sáng 5/10, hầm chui Lê Văn Lương được khánh thành đưa vào sử dụng, với tổng mức đầu tư 698 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Chí Cường – Giám đốc Ban QLDA Đầu tư, xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội cho biết: “Hầm chui lưu thông theo hướng Lê Văn Lương – Tố Hữu và ngược lại. Tổng chiều dài hầm là 475m, mặt cắt ngang được thiết kế lưu thông 2 chiều, mỗi chiều có bề rộng 7,75m gồm 2 làn xe cơ giới. Bên cạnh việc xây dựng hầm chui các công trình liên quan như: xén hè, mở rộng làn đường Tố Hữu – Lê Văn Lương, xén các điểm quay đầu trên đường Khuất Duy Tiến… cũng đã được thực hiện”.

Ông Nguyễn Chí Cường thông tin, ngay sau khi khởi công (2/10/2020), Ban đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị thi công và phối hợp với các sở, ngành địa phương để bàn giao mặt bằng hiện trạng, phân luồng tổ chức giao thông để triển khai những hạng mục công trình theo thiết kế. Đến nay, dự án đã hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng.

Trong quá trình triển khai thực hiện, dự án gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc do mặt bằng thi công chật hẹp, tổ chức giao thông phức tạp, phải thực hiện di chuyển nhiều hệ thống công trình ngầm nổi... Nhà thầu vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông đi lại trong khi nút giao thường xuyên bị ùn tắc do lưu lượng giao thông qua lại rất lớn.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại buổi lễ.  
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại buổi lễ.  

Ngoài ra, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao trong năm 2021, 2022,... nhưng được sự chỉ đạo sát sao và kịp thời của lãnh đạo TP, sự phối hợp giúp đỡ của các sở ngành, UBND quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và Nhân dân trong khu vực..., nên dự án được đảm bảo tiến độ, hoàn thành đúng dịp chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định: “Việc khánh thành công trình ngày hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông, tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian phương tiện lưu thông qua nút giao Lê Văn Lương – Tố Hữu”.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng các sở, ban, ngành, UBND các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, chủ đầu tư, đơn vị thi công, các cán bộ, kỹ sư, người lao động,… đã vượt qua nhiều khó khăn, lao động tích cực trên công trường để công trình hoàn thành theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, mỹ quan và an toàn.

Để công trình sau khi đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP hoàn chỉnh công tác nghiệm thu, thanh toán, quyết toán các hạng mục đã hoàn thành theo đúng tiến độ, quy trình, thủ tục theo quy định.

Các sở GTVT, Xây dựng, TT&TT, UBND quận Thanh Xuân, UBND quận Nam Từ Liêm cùng phối hợp để tổ chức bàn giao, tiếp nhận ngay các hạng mục như đường giao thông, hầm chui, hạ tầng kỹ thuật… để thực hiện công tác duy tu, duy trì, đảm bảo an toàn giao thông.

Phát huy hiệu quả đầu tư

Hầm chui Lê Văn Lương được thông xe không chỉ có tác dụng giải quyết xung đột giao thông cho một nút giao mà còn tạo điều kiện cho công tác tổ chức, điều tiết giao thông của cả khu vực, trục đường hướng tâm Tố Hữu – Lê Văn Lương – Láng Hạ.

Việc khánh thành công trình hầm chui có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực.
Việc khánh thành công trình hầm chui có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực.

Nhiều chuyên gia và người dân cho rằng, sau khi có hầm chui Lê Văn Lương, UTGT sẽ chuyển dịch từ ven Vành đai 3 đến các khu vực lân cận như: Hoàng Minh Giám, Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Trung Văn, Vũ Trọng Khánh… “Dọc đường Tố Hữu có nhiều ngã ba, lòng đường lại khá hẹp, còn phải dành làn riêng cho xe BRT. Tôi cũng lo từ Lê Văn Lương qua hầm chui sang Tố Hữu thì nhanh nhưng đi hết Tố Hữu có khi lại khó khăn hơn trước” - anh Bạch Thái Thịnh cho hay.

Đại diện Đội CSGT số 7 cho rằng, cần tính toán trước phương án đồng bộ năng lực lưu thông cho cả hai tuyến đường: Tố Hữu, Lê Văn Lương khi có hầm chui chuyển tiếp. Các khu vực xung quanh hầm phải được nâng cao năng lực lưu thông để bổ trợ kịp thời. Nếu không, dòng phương tiện được luân chuyển qua hầm chui sẽ trở thành áp lực lớn hơn khiến cả khu vực gặp thách thức mới.

8 giờ sáng ngày 5/10, một chiều hầm chui Lê Văn Lương - Tố Hữu đã được mở để các phương tiện lưu thông qua. 
8 giờ sáng ngày 5/10, một chiều hầm chui Lê Văn Lương - Tố Hữu đã được mở để các phương tiện lưu thông qua. 

Đó là vấn đề mà Hà Nội cần tính toán kỹ lưỡng, kịp thời đối với các hầm chui. Sắp tới, hầm chui Kim Đồng sẽ được khởi công, hầm chui Tây Thăng Long, Hoàng Quốc Việt và có thể cả hầm chui qua đường Mễ Trì - Dương Đình Nghệ cũng sẽ được xây dựng. Làm thế nào để khai thác được tối đa hiệu quả của các hầm chui, tránh dồn áp lực giao thông chạy vòng quanh, giải tỏa chỗ này lại dồn vào chỗ khác là không dễ.

Các chuyên gia cho rằng, với hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ như hiện nay, mỗi mảnh ghép đều có giá trị rất lớn. Nhưng nhìn vào thực tế vận hành thời gian qua có thể thấy, ví dụ như khu vực có hầm chui Thanh Xuân, dù đã có nút giao 4 tầng cũng vẫn thường xuyên UTGT. Điều đó cho thấy vai trò rất quan trọng của công tác tổ chức giao thông.

Hà Nội: Khánh thành hầm chui Lê Văn Lương, gỡ rối nút thắt giao thông - Ảnh 1

Trước thực tế đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu Sở GTVT chủ trì, phối hợp cùng Công an TP nghiên cứu tổ chức giao thông tại nút giao này và trên các trục đường Lê Văn Lương –Tố Hữu, đường Khuất Duy Tiến cho phù hợp với lưu lượng xe sau khi công trình hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3 đưa vào khai thác sử dụng, đảm bảo phát huy cao nhất hiệu quả dự án.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu UBND quận Thanh Xuân, UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức tuyên tuyền vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị nhằm phát huy hết hiệu quả đầu tư hầm chui Lê Văn Lương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần