Rõ hiệu quả, lợi ích
Tháng 4/2022, HND xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) ra mắt Chi hội Nông dân nghề nghiệp “Cây mai trắng” với 28 thành viên. Theo Phó Chủ tịch HND huyện Ba Vì Chu Xuân Cừ, thời gian qua, tại xã Tản Lĩnh, trồng mai trắng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân, tuy nhiên hầu hết là tự phát, chưa có tính liên kết.
Ngay sau khi Chi hội Nông dân nghề nghiệp “Cây mai trắng” ra đời, các hộ trồng mai đã trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào trồng trọt kết hợp thảo luận, hỗ trợ phát triển thị trường. Hiện, các hộ trồng mai có thu nhập bình quân từ 300 triệu đồng/năm, cá biệt một số hộ doanh thu từ 1 - 2 tỷ đồng/năm.
Để hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, từ đầu năm đến nay, các cấp hội của huyện Ba Vì đã chỉ đạo thành lập mới 2 chi hội nghề nghiệp, gồm: Chi hội Nông dân nghề nghiệp đồ mộc gia dụng tại thôn Vân Sa 2, xã Tản Hồng; Chi hội Nông dân nghề nghiệp "Cây mai trắng" tại thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh; 11 tổ hội nghề nghiệp gắn với tổ hợp tác như: Chăn nuôi bò thịt tại thôn Tri Lai, xã Đồng Thái; chăn nuôi bò sinh sản tại thôn Chu Châu, xã Minh Châu; chăn nuôi trâu, bò sinh sản tại thôn Văn Minh, xã Cam Thượng; tổ hội may công nghiệp Phú Đông; tổ hội mây tre đan xã Cổ Đô…
Tương tự, tại huyện Gia Lâm, Chủ tịch HND huyện Chu Anh Tuấn cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, HND các cấp đã thành lập 17 tổ nông dân nghề nghiệp với 183 thành viên; ra mắt 1 chi hội nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ quả an toàn tại xã Đa Tốn với 20 thành viên.
“Việc thành lập các tổ hội, chi hội nông dân nghề nghiệp giúp hội viên có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật, phương thức canh tác rau an toàn; được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức sản xuất, chế biến ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, các hội viên còn được hỗ trợ tiêu thụ, hỗ trợ xúc tiến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm” - ông Chu Anh Tuấn cho hay.
Hướng đến chuyển đổi số phát triển kinh tế tập thể
Theo Chủ tịch HND TP Hà Nội Phạm Hải Hoa, những năm qua, HND TP đã xây dựng kế hoạch, yêu cầu HND các cấp đẩy mạnh xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Từ đầu năm đến nay, HND các huyện, thị xã đã hướng dẫn thành lập mới 10 hợp tác xã; các cơ sở hội đã hướng dẫn thành lập 189 tổ hợp tác.
Mục tiêu chung là tập hợp các hội viên cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề vào các chi hội, tổ hội nghề nghiệp; từ đó tiếp tục củng cố, hướng tới xây dựng tổ hội, chi hội nghề nghiệp kiểu mẫu. Thực tế, hoạt động các tổ hội, chi hội nghề nghiệp tạo sự gắn kết giữa xây dựng tổ chức Hội với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, làm tiền đề cho kinh tế tập thể phát triển.
Chủ tịch HND TP Hà Nội Phạm Hải Hoa
Cùng với công tác phát triển tổ hội, chi hội nghề nghiệp nông dân, các cấp hội đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng về thông tin kinh tế thị trường, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp; tập huấn kỹ năng phát triển mô hình kinh tế tập thể cho hơn 2.000 hội viên nông dân.
Bên cạnh đó, HND TP tổ chức 7 hội nghị tập huấn cho 385 lượt cán bộ, hội viên nông dân ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp tại các huyện: Phúc Thọ, Ba Vì, Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thường Tín, Thanh Trì. Đặc biệt, Hội đã chỉ đạo HND các huyện, thị xã xây dựng nhiều mô hình kinh tế tập thể, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.
Để các tổ hội nghề nghiệp duy trì hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên tham gia, thời gian tới, HND TP Hà Nội tiếp tục định hướng các chi hội, tổ hội nghề nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, phục vụ cho đô thị.
Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất, tăng cường liên kết sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ. Bên cạnh đó, cùng với nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội tiếp tục phối hợp với các ngân hàng giúp chi hội nghề nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.