Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội khóa sổ quyết toán ngân sách năm 2022, thu ngân sách vượt dự toán

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều tối 31/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì, động viên công tác khóa sổ quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải; Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Quân và lãnh đạo một số sở, ban, ngành.

Tổng thu ngân sách đạt 332.089 tỷ đồng

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố tính đến 15 giờ ngày 31/12/2022 là 332.089 tỷ đồng, đạt 106,6% dự toán, bằng 102,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu phát sinh trên địa bàn 26.272 tỷ đồng, đạt 120% dự toán, bằng 116,4% so với cùng kỳ; thu từ dầu thô 2.900 tỷ đồng, đạt 263,6% dự toán, bằng 147,0% so với cùng kỳ; thu nội địa 302.917 tỷ đồng, đạt 104,9% dự toán, bằng 101,1% so với cùng kỳ.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi làm việc
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi làm việc

Đối với chi ngân sách địa phương, đến 15 giờ ngày 31/12/2022 của Hà Nội là 83.731 tỷ đồng, đạt 78,3% dự toán đầu năm, bằng 99% so với cùng kỳ, trong đó chi đầu tư phát triển là 39.608 tỷ đồng, đạt 77,6% dự toán, bằng 105,2% so với cùng kỳ; chi thường xuyên là 43.752 tỷ đồng, đạt 82,1% dự toán, bằng 93,3% so với cùng kỳ.

Công tác hỗ trợ người nộp thuế đã được chuyển dần từ phương thức hỗ trợ trực tiếp tại cơ quan thuế sang phương thức hỗ trợ trực tuyến, đẩy mạnh hỗ trợ giải đáp vướng mắc thông qua các hình thức: Điện thoại, website Cục Thuế, Cục Hải quan và các mạng xã hội của cơ quan thuế.

Năm 2022, toàn ngành thuế ước hoàn thành 16.512 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 106% chỉ tiêu được phê duyệt (tăng 2% so với cùng kỳ). Tổng số xử lý qua thanh kiểm tra thực hiện 7.881 tỷ đồng. Cục Thuế thành phố Hà Nội ước thực hiện thu hồi và xử lý điều chỉnh nợ đọng thuế được 9.038 tỷ; tổng nợ ước đến thời điểm 31/12/2022 (không bao gồm nợ chờ điều chỉnh) là 21.983 tỷ đồng, đạt chỉ tiêu giảm nợ do Tổng cục Thuế giao; đã thực hiện khoanh nợ đối với 140.384 người nộp thuế với số tiền khoanh là 7.714 tỷ đồng...

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu báo cáo tại buổi làm việc
Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu báo cáo tại buổi làm việc

Về điều hành chi ngân sách, Sở Tài chính tiếp tục tham mưu thành phố rà soát, cơ cấu chi ngân sách theo chỉ đạo của Chính phủ; thực hiện quản lý, điều hành chi ngân sách theo nguyên tắc: Chặt chẽ, linh hoạt, bảo đảm cân đối ngân sách các cấp; cơ cấu lại các khoản chi ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên, để dành nguồn cho đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước (dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 chiếm 47,8% tổng chi ngân sách địa phương; năm 2021, tỷ trọng tương ứng là 47,2%).

Thực hiện điều hành ngân sách chủ động, linh hoạt, bảo đảm cân đối ngân sách các cấp; tập trung ưu tiên nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch bệnh và bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân (trong đó đã bảo đảm kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho 428.797 lượt lao động với số tiền đã chi trả là 224,6 tỷ đồng).

Hỗ trợ kịp thời người dân, doanh nghiệp

Về công tác tín dụng, ngân hàng, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đến 31/12/2022 dự kiến đạt 4,61 triệu tỷ đồng, tăng 8,46% so với 31/12/2021. Tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn đến 30/11/2022 đạt 2,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với 31/12/2021.

Sau khi có quyết định nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thêm 1,5 - 2% để TCTD có thêm nguồn lực, mở rộng tín dụng đối với những DN, đối tượng, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế, dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại có trụ sở chính tại Hà Nội tại thời điểm hiện tại tăng 3,64% so với tháng 11/2022.

Dự kiến tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn đến 31/12/2022 đạt 3 triệu tỷ đồng, tăng 16,1% so với 31/12/2021. Sáng 15/12/2022, đã có 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3%/năm.

Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Hương báo cáo tại buổi làm việc
Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Hương báo cáo tại buổi làm việc

Với việc triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tính đến 30/11/2022, doanh số giải ngân lũy kế 7.334,63 tỷ đồng; dư nợ cho vay đến cuối tháng báo cáo là 4.822,76 tỷ đồng; số lượng khách hàng lũy kế là 244 khách hàng; số tiền đã hỗ trợ lãi suất 21,45 tỷ đồng.

Về công tác kế toán, kiểm soát chi ngân sách, các khoản chi được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm danh mục hồ sơ theo đúng quy định và không để tồn đọng hồ sơ, chứng từ tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội mà không rõ lý do. Kho bạc Nhà nước Hà Nội chủ động nắm chắc tình hình giải ngân vốn đầu tư kế hoạch năm 2022 của từng dự án, nhất là những dự án, công trình trọng điểm của thành phố, các dự án quy mô lớn, có tính chất lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; đối với những dự án chưa giải ngân, có tỷ lệ giải ngân thấp, Kho bạc Nhà nước Hà Nội đã báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo xử lý tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, kế hoạch dự toán chi năm 2022 mà Kho bạc còn phải tiếp tục thực hiện chi và kiểm soát chi là 47.000 tỷ đồng. Trong đó, chi thường xuyên 26.285 tỷ đồng; chi đầu tư 20.905 tỷ đồng. Hiện nay chi đầu tư ngân sách Trung ương, khối bộ, ngành và chủ đầu tư giải ngân được 52% so với kế hoạch Thủ tướng giao. Do khối lượng công việc cuối năm nhiều, trong ngày nghỉ Tết Dương lịch, cán bộ Kho bạc Hà Nội và các kho bạc quận, huyện, thị xã vẫn làm việc bình thường.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, năm 2023, dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố được giao là 352.919,3 tỷ đồng. Dự toán chi ngân sách địa phương là 105.089,4 tỷ đồng. Để hoàn thành dự toán thu, chi ngân sách năm 2023, các cơ quan ngành tài chính thành phố triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, Cục Thuế, Cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nuôi dưỡng, chống xói mòn nguồn thu; đẩy mạnh điện tử hóa trong quản lý thuế, hiện đại hóa quản lý thu ở tất cả các khâu; thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…

Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen đột xuất vì thành tích đặc biệt xuất sắc tới 2 tập thể là Cục Thuế và Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội
Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen đột xuất vì thành tích đặc biệt xuất sắc tới 2 tập thể là Cục Thuế và Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là vướng mắc về quy trình, thủ tục trong việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính đất đai...

Thu từ dịch vụ, thương mại tăng lên là tín hiệu tích cực

 

''Kết quả của Kho bạc Nhà nước Hà Nội cũng như ngành tài chính thành phố có được là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội với Kho bạc Nhà nước Hà Nội và cơ quan ngành tài chính đóng trên địa bàn để ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023.

Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Quân

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh ghi nhận, biểu dương thành tích của khối tài chính, ngân hàng trên địa bàn thành phố. Những kết quả này đã đóng góp phần quan trọng vào thành công chung của thành phố trong năm 2022.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành tài chính, ngân hàng, là nguồn lực bảo đảm sự vận hành thông suốt, giữ vai trò huyết mạch của nền kinh tế, Chủ tịch UBND thành phố biểu dương một số kết quả cụ thể như nguồn thu của ngành thuế đạt kết quả lớn, thể hiện nội lực của nền kinh tế thành phố, trong đó phần thu từ dịch vụ thương mại khá tốt. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giải ngân, cấp tín dụng mới tăng thêm cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Ngân hàng Chính sách xã hội tăng tỷ lệ giải ngân, bảo đảm mục tiêu và chất lượng an sinh xã hội. Quỹ Đầu tư phát triển thành phố nỗ lực, tạo điều kiện ứng vốn cho các quận huyện trong triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội…

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của năm 2023, Chủ tịch UBND thành phố mong muốn ngành tài chính, tiền tệ, ngân hàng, hải quan… tiếp tục đẩy mạnh truyền thống đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, phát huy văn hoá nghề, văn hoá quản trị của khối ngành, đặt tinh thần phục vụ lên cao nhất vì sự nghiệp chung của thành phố, của quốc gia dân tộc.

"Kho bạc, ngân hàng, thuế, hải quan cũng đã cải cách hành chính mạnh mẽ. Cần tiếp tục cải cách. Đặc biệt chú ý việc kết nối, phối hợp hiệu quả. Nghiên cứu lập các module quản lý liên hợp, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công” -  Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh gợi mở.