Hà Nội không “cào bằng” tỷ lệ miễn thi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (20/1), ngày cuối cùng của đợt lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo về phương án đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013 - 2014 mà Bộ GD&ĐT kỳ vọng sẽ nhận được sự phản hồi tích cực từ dư luận nhằm tìm ra giải pháp khả thi cho vấn đề hóc búa này.

Song, thảo luận về nội dung này tại hội nghị tổng kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013 - 2014 khối THPT (do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức cuối tuần qua), đa số ý kiến cho rằng: Cần đưa các tiêu chí cụ thể để việc miễn thi tốt nghiệp THPT cho 20% học sinh (HS) không xảy ra tiêu cực, không “cào bằng”.

Lo ngại khâu “làm” đề

Có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh phương án đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiệu trưởng một trường THPT ở huyện Thạch Thất đã không đồng tình với cả 2 phương án thi tốt nghiệp được đưa ra lấy ý kiến. "Phương án 2, về cơ bản không khác nhiều so với cách làm cũ. Phương án 1 với 2 môn tự chọn, 2 môn bắt buộc (trong 5 môn được đề xuất) và Ngoại ngữ thi lấy điểm khuyến khích cũng không ổn.

Thứ nhất, môn Ngoại ngữ rất quan trọng, nếu không thi HS sẽ không học. Thứ hai, nếu tự chọn, khâu kỹ thuật chuẩn bị cho 5 môn thi ở một hội đồng khá phức tạp, làm không chặt có thể dẫn tới lộ đề. Hơn nữa tự chọn như vậy, thì số ngày thi cũng không giảm nếu HS thi thêm ngoại ngữ" - vị Hiệu trưởng này phân tích.

 
Các thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại Hội đồng thi Việt Đức.  Ảnh:  Quỳnh Anh
Các thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại Hội đồng thi Việt Đức. Ảnh: Quỳnh Anh
Đồng quan điểm, ông Tô Minh Tiếp - Hiệu trưởng trường THPT Hồ Tùng Mậu cho rằng, nếu Ngoại ngữ thi lấy điểm khuyến khích sẽ không khác gì môn thi nghề khác. Vì thế nên đưa môn này vào các môn thi tự chọn để HS, nhà trường phải cố gắng hơn trong dạy và học. Ngoài ra, lãnh đạo một số trường cũng băn khoăn với việc cho HS chọn 2 môn, đồng nghĩa với việc phải làm đề thi cho cả 8 môn. Bên cạnh đó, cách bố trí để phát đề thi ứng với sự lựa chọn của HS sẽ phức tạp, mà khâu bảo mật đề thi cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Trước những băn khoăn này, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Có nhiều cách giải quyết khâu này. Ví dụ, trong Hội đồng thi xác định sự lựa chọn của HS, sau đó lọc tách ra từng môn và đánh số báo danh, sau đó xếp phòng thi.  

Sẽ có 20.000 học sinh Hà Nội được miễn thi

Ngoài yếu tố kỹ thuật, hiệu trưởng nhiều trường cũng bày tỏ sự lo lắng về tỷ lệ miễn thi cho các địa phương. Trong đó, điều khiến người ta quan tâm nhất là cần phải đưa các tiêu chí cụ thể để việc miễn thi tốt nghiệp THPT cho 20% HS không xảy ra tiêu cực, không "cào bằng" giữa các trường.

Trong bảng thu thập ý kiến đóng góp về dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp THPT, Hà Nội đưa ra 2 phương án. Phương án 1, tùy thuộc vào điều kiện từng trường (đảm bảo chất lượng dạy học; kết quả học tập, rèn luyện của HS…) để giao tỷ lệ cụ thể theo các tiêu chí. Phương án 2, giao tỷ lệ miễn thi cho mỗi trường tối đa 20%. Theo ông Phạm Hữu Hoan - Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội, dù theo phương án nào thì Hà Nội sẽ không "cào bằng" tỷ lệ miễn thi. "Tỷ lệ 20% sẽ là của TP chứ không phải tỷ lệ của từng trường. Sở sẽ phải thành lập hội đồng xét duyệt danh sách này. Như vậy, chắc chắn sẽ có những trường có rất đông HS nằm trong đối tượng được miễn thi, nhưng có không ít trường sẽ không có HS nào" - ông Hoan nhận định.

Cũng theo ông Hoan, nếu Bộ đồng ý tổ chức thi theo phương án 1 (4 môn) thì với gần 100.000 HS dự thi tốt nghiệp THPT hàng năm, Hà Nội sẽ có khoảng 20.000 HS được miễn thi nếu TP xác định tỷ lệ là 20%. "Nếu chỉ xét về số HS giỏi thì HS của Hà Nội sẽ vượt con số này, nên buộc phải kèm theo những tiêu chí ưu tiên khác. Trong đó, ưu tiên số 1 là HS có học lực giỏi 3 năm THPT cộng thêm giải cấp TP các môn văn hóa, cũng như các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ, con em các gia đình chính sách..." - ông Hoan cho biết.