Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Không để thiếu nước gieo cấy vụ Xuân

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đợt bổ sung nguồn nước thứ hai từ các hồ chứa thuỷ điện được xem là trọng tâm chống hạn vụ Xuân 2022. Cùng với 10 địa phương khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị rốt ráo lấy nước phục vụ sản xuất cho bà con nông dân.

Vận hành trạm bơm 24/24 giờ

Những ngày qua, 5 tổ máy với tổng công suất 36.500m3/giờ tại trạm bơm Thanh Điềm (huyện Mê Linh) được vận hành liên tục không ngừng nghỉ để tập trung lấy nước cho sản xuất vụ Xuân 2022. Anh Nguyễn Văn Thuỷ – Phó Trạm trưởng Trạm bơm Thanh Điềm cho biết 19 cán bộ, công nhân tại trạm được phân công ứng trực 24/24 giờ, mỗi ca kéo dài 8 tiếng.

Công nhân kiểm tra vận hành trạm bơm dã chiến Phù Sa. Ảnh: Trọng Tùng.
Công nhân kiểm tra vận hành trạm bơm dã chiến Phù Sa. Ảnh: Trọng Tùng.

“Anh chị em phải bố trí ngủ nghỉ, nấu ăn ngay tại trạm bơm để theo dõi được diễn biến nguồn nước thường xuyên, cũng như kịp thời phát hiện sự cố nhằm bảo đảm vận hành ổn định cho các tổ máy…” – anh Thuỷ chia sẻ.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, một vài năm trở lại đây, nhiều diện tích canh tác vụ Xuân của địa phương gặp khó khăn trong lấy nước. Tuy nhiên với việc trạm bơm Thanh Điềm được đưa vào vận hành, nguy cơ này sẽ được giảm thiểu tối đa. Không chỉ vậy, một số vùng canh tác của tỉnh Vĩnh Phúc cũng sẽ được hưởng lợi từ trạm bơm công suất lớn này.

Trong khi đó tại trạm bơm dã chiến Ấp Bắc (huyện Đông Anh), chị Nguyễn Thị Thu Dung cùng các đồng nghiệp cũng phải ứng trực tại trạm theo phương châm “3 tại chỗ”, hay nói cách khác là nghỉ ngơi – ăn uống – làm việc ngay tại trạm trong suốt thời gian chống hạn vụ Xuân. Là công nhân nữ nên việc ứng trực ca kíp bất kể ngày đêm ít nhiều có những bất tiện, tuy nhiên, chị Dung vẫn cố gắng khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ, cùng các công nhân tại trạm bảo đảm tiến độ lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2022.

Không để lãng phí nguồn nước

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Hà Nội Đào Quang Khải, với sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp thuỷ lợi, đến nay hàng chục ngàn h sản xuất vụ Xuân trên địa bàn TP đã có nước. Tiến độ lấy nước của Hà Nội nhìn chung vẫn bảo đảm, dù thực tế còn một số trạm bơm chính gặp nhiều khó khăn trong vận hành như: Sơn Đà, Trung Hà (huyện Ba Vì); Ấp Bắc (huyện Đông Anh), hay Phù Sa (thị xã Sơn Tây)… 

 

“Dự kiến sau đợt lấy nước thứ 2, sẽ chỉ còn một số vùng thuộc Hà Nội là chưa lấy đủ nước gieo cấy vụ Xuân. Chính vì vậy, Tổng cục Thuỷ lợi đề nghị các địa phương thường gặp khó về nguồn nước như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh cần đẩy nhanh tiến độ lấy nước để kịp với tiến độ chung của toàn khu vực, bảo đảm cơ bản hoàn thành kế hoạch chống hạn cho vụ Xuân sau đợt 2. Trường hợp cần thiết cần khẩn trương lắp đặt trạm bơm dã chiến để lấy nước…”. - Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT).

Sau khi có nước, các quận, huyện, thị xã cũng tích cực vận động bà con nông dân xuống đồng làm đất, đổ ải, gieo cấy vụ Xuân. Thống kê đến nay, tổng diện tích làm đất của các địa phương đạt khoảng 5.000ha. Người dân cũng đã tổ chức gieo cấy trên diện tích hơn 800ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Mỹ Đức, Ba Vì, Ứng Hoà, Mê Linh và thị xã Sơn Tây.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến cho biết, thời gian lấy nước đợt 2 sẽ kéo dài 8 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 15/1 và kết thúc vào 24 giờ ngày 22/1/2022. Đây là đợt lấy nước trọng tâm phục vụ chống hạn vụ Xuân 2022 của Hà Nội. Chính vì vậy, đề nghị các doanh nghiệp thuỷ lợi tiếp tục theo dõi sát diễn biến mực nước trên hệ thống sông để vận hành tối đa công suất các trạm bơm phục vụ lấy nước.

Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã cần tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ sản xuất cây vụ Đông để tập trung lấy nước; thực hiện làm đất đến đâu, đổ ải đến đó, tránh lãng phí nguồn nước và bảo đảm không để thiếu nước sản xuất cho 103.000ha vụ Xuân 2022.