Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Không khan hàng, găm hàng xăng dầu

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Thành phố Hà Nội đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho người dân Thủ đô, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng” - đó là khẳng định của lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố.

Đảm bảo nguồn cung

Thông tin của Sở Công Thương Hà Nội, bình quân 1 tháng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 146.500 m3. Trong đó, nhu cầu xăng khoảng 97.500m3 (xăng E5 chiếm 35%, Ron95 chiếm 65%), dầu khoảng 48.750 m3. Hiện nay, lượng dự trữ, cung ứng xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, trên địa bàn Hà Nội đạt 170.000m3.

Cụ thể, Công ty Xăng dầu Khu vực I, Công ty xăng dầu Hà Sơn Bình và các Công ty thành viên của Tập đoàn Petrolimex 90.000m3/tháng; Công ty CP xăng dầu dầu khí Hà Nội (PVOIL) 5.000m3/tháng; Tổng Công ty xăng dầu Quân đội 6.000m3/tháng; Công ty CP Hóa dầu quân đội 4.000m3/tháng… Ngoài ra, các thương nhân phân phối, doanh nghiệp đầu mối khác cung ứng 65.000m3/tháng.

Qua khảo sát những ngày gần đây, các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn Hà Nội vẫn mở bình thường, chưa có hiện tượng ngừng kinh doanh hoặc “găm hàng”. Giám đốc Xí nghiệp bán lẻ xăng dầu (Công ty Xăng dầu khu vực I) Đỗ Hoàng Hà cho biết, 2 tuần trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần nhu cầu tiêu dùng tăng cao, riêng trong 9 ngày nghỉ Tết, nhu cầu xăng dầu của người dân đã tăng 4% so với cùng kỳ. Để đảm bảo nguồn cung cho thị trường, xí nghiệp đã đưa ra thị trường 1.540m3 xăng dầu/ngày.

“Nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Xí nghiệp đã có nhiều phương án nhập xăng dầu từ nhiều đầu mối, qua đó đảm bảo cung ứng cho thị trường Hà Nội đầy đủ, không thiếu hàng”- ông Hà khẳng định. 

Người tiêu dùng mua xăng dầu tại cửa hàng 171 Xuân Thủy (Cầu Giấy).
Người tiêu dùng mua xăng dầu tại cửa hàng 171 Xuân Thủy (Cầu Giấy).

Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Tập đoàn Hà Thành Hoàng Thị Lệ Mỹ cho biết, hệ thống cửa hàng xăng dầu của doanh nghiệp gần khu dân cư nên trong mấy ngày gần đây sức tiêu thụ xăng dầu tăng cao. Nhằm đáp ứng nhu cầu người dân, đơn vị đã tăng cường nhân viên, bán hàng liên tục từ 4-24h, qua đó đảm bảo nguồn cung phục vụ nhân dân và giữ vững uy tín thương hiệu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng người dân tích trữ xăng dầu, đơn vị tuyệt đối không bán cho những người mang can, bình lớn đến mua xăng dầu dự trữ.

 

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Trường hợp doanh nghiệp đầu mối có đủ lượng xăng dầu cung ứng cho hệ thống của mình, đề nghị hỗ trợ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối khác gặp khó khăn về nguồn hàng được ký hợp đồng cung cấp xăng dầu để tránh tình trạng đứt gãy hàng cục bộ, ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông trên địa bàn và tâm lý người tiêu dùng.

Tại buổi kiểm tra đột xuất hệ thống của hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Nội (chiều 9/2), Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Hiện trên địa bàn Hà Nội có 493 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động, hiện chỉ có 2 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn quận Cầu Giấy đã có văn bản xin phép Sở Công Thương Hà Nội tạm dừng hoạt động để sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất. “Kết quả kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hiện các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này vẫn đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân; không có tình trạng khan hàng, đứt gãy nguồn hàng, không có tình trạng đóng cửa ngừng kinh doanh do thiếu hàng. Doanh nghiệp cam kết duy trì, đảm bảo đầy đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn TP Hà Nội” - bà Lan khẳng định.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Nói về những khó khăn trong quá trình kinh doanh xăng dầu, nhiều doanh nghiệp phản ánh, trong thời gian qua giá xăng dầu thế giới đang tăng cao nhưng do theo quy định 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu/lần. Tuy nhiên lần điều chỉnh gần đây nhất là ngày 1/2/2022 (trùng với ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần) nên Bộ Công Thương không thực hiện, phải đợi đến ngày 11/2/2022 mới thực hiện điều chỉnh tăng giảm giá bán. Việc tạm dừng điều chỉnh giá xăng dầu đã khiến doanh nghiệp lỗ vốn bởi chiết khấu giá xăng dầu đang ở mức thấp. Đồng thời, đã có hiện tượng khan hiếm nguồn hàng dẫn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Bà Hoàng Thị Lệ Mỹ chia sẻ, hiện doanh nghiệp đang được Petrolimex chiết khấu 290 đồng/lít, với mức chiết khấu này doanh nghiệp đang phải lỗ vốn trong ngắn hạn.

Hà Nội: Không khan hàng, găm hàng xăng dầu - Ảnh 1Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu tại 112 Trần Phú (Hà Đông).

Để khắc phục khó khăn này, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kiến nghị, thời gian tới Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu xây dựng các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu đảm bảo kịp thời điều chỉnh giá xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới biến động. Qua đó, giúp doanh nghiệp đầu mối chủ động hơn trong việc đặt đơn hàng nhập khẩu xăng dầu, hoặc xem xét việc để giá xăng dầu tự điều tiết theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các nhà máy lọc dầu (trong đó có 2 nhà máy lọc dầu lớn là Nghi Sơn và Bình Sơn) thường xuyên đảm bảo hoạt động sản xuất, đáp ứng nguồn xăng dầu cho thị trường, giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng xăng dầu không chịu ảnh hưởng nhiều giá xăng dầu của thị trường thế giới.

Nhằm đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường Hà Nội, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị các doanh nghiệp đầu mối cân đối nguồn cung ứng xăng dầu đầu vào, có các phương án thay thế, không để phụ thuộc vào 1 nguồn hàng, gây ra tình trạng thiếu hàng khi nguồn hàng xảy ra sự cố. Đặc biệt, doanh nghiệp đầu mối cần làm tốt công tác dự báo và kế hoạch nguồn hàng trong dài hạn, có phương án ứng phó với các biến động có thể xảy ra, nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong năm 2022, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.