Hà Nội: Khuyến khích phát triển trang trại theo chuỗi liên kết

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế trang trại là thành tố quan trọng trong phát triển kinh tế tại khu vực nông thôn Hà Nội. Dù vậy, để lĩnh vực này đóng góp tương xứng cho kinh tế Thủ đô nói chung, vẫn còn nhiều việc cần làm.

Hiệu quả kinh tế chưa đồng đều

Trên diện tích 1,3ha tại xứ đồng xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), hơn 5 năm trước, ông Nguyễn Văn Lâm bắt tay xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Khoảng 11 tỷ đồng đã được ông đầu tư để phát triển vườn cây ăn quả, nuôi trồng thuỷ sản và chăn nuôi lợn.

Sản phẩm từ trang trại của ông Lâm đã liên kết tiêu thụ với Công ty CP thương mại 5S Pro và các bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện Quốc Oai. Hoạt động của trang trại được duy trì ổn định nhiều năm qua, mang lại doanh thu bình quân 20 tỷ đồng/năm. Ngoài ra còn tạo việc làm thường xuyên cho 11 lao động, với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.

Trang trại nuôi chim bồ câu mang lại giá trị kinh tế cao tại xã Tân Hưng (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Tùng Nguyễn.
Trang trại nuôi chim bồ câu mang lại giá trị kinh tế cao tại xã Tân Hưng (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Tùng Nguyễn.

Cũng đang thu về thành công khá lớn những năm gần đây là trang trại nuôi trồng thủy sản của ông Nguyễn Đình Viện ở xã Thư Phú (huyện Thường Tín). Trên quy mô sản xuất 11ha, ông Viện đầu tư nhiều tỷ đồng để nuôi cá, trồng nhãn. Hiện, doanh thu trang trại đạt khoảng 7,5 tỷ đồng/năm; mang đến thu nhập ổn định cho 20 lao động địa phương.

Trên đây chỉ là 2 trong tổng số hơn 1.700 trang trại trên địa bàn Hà Nội đang hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, đánh giá khách quan của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội thì mức độ sản xuất, kinh doanh hiệu quả của các trang trại hiện chưa đồng đều. Nhiều mô hình trang trại mới dừng ở việc hoạt động cầm chừng. Không ít trang trại phải tạm ngừng hoạt động, nhất là trong 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua.

Đa dạng hoá loại hình trang trại

Trước đòi hỏi của thị trường về chất lượng sản phẩm, hiện nay nhiều chủ trang trại đã và đang quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao. Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, hiện có 243 trang trại ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị hàng hoá của các trang trại bước đầu được hình thành và phát triển. Toàn TP hiện có 277 trang trại xây dựng được mối liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với đơn vị phân phối. 

 

“Việc phát triển kinh tế trang trại nhìn chung giúp khai thác, sử dụng có hiệu quả tư liệu sản xuất (đất đai), vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý. Từ đó, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập; khuyến khích làm giàu đi đôi với xoá đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn Hà Nội...”.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội

Dù vậy, thẳng thắn nhìn nhận, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, sự phát triển của các trang trại vẫn còn nhiều hạn chế. Số lượng trang trại áp dụng công nghệ cao toàn phần ít, đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử, công nghệ thông tin trong sản xuất, quản lý, điều hành. Nhiều trang trại chưa quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa nên số lượng trang trại có liên kết còn ít…

Bên cạnh thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, kinh tế trang trại còn góp phần quan trọng đối với quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất gắn liền với phân công lại lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành phi nông nghiệp. Từ đó, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá trong nông nghiệp và nông thôn.

Theo ông Chu Phú Mỹ, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh phát triển các dạng hình kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết, kết hợp du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào trang trại quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, có giá trị cao và bền vững.