Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng cho biết, 21 ngày qua không có ca mắc mới trong cộng đồng. Chúng ta đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch COVID-19, dần trở lại công việc bình thường trong trạng thái mới. 100% số tỉnh, thành cho học sinh đi học trở lại ổn định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp nghe Ban Chỉ đạo quốc gia báo cáo tình hình dịch Covid-19 và các biện pháp mới |
Tuy nhiên, chúng ta không thể lơ là, mất cảnh giác bởi nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài còn lớn. Tình hình dịch bệnh trên toàn cầu còn diễn biến xấu, nhiều nước đang lây nhiễm mạnh, số người tử vong cao. Một số nước ASEAN tình hình diễn biến phức tạp. Hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh.
Do đó, Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận các biện pháp đối với trong nước như thế nào, ngoài nước như thế nào? Trong nước, tiếp tục giảm “giãn cách xã hội” thế nào để trở lại hoạt động bình thường, “chứ vào lớp học vừa đội mũ bảo hộ, vừa đeo khẩu trang thì làm sao các em học được trong khi mùa hè nóng bỏng này”.Các ngành nghề tiếp tục được hoạt động trở lại như thế nào. Mở ra mạnh mẽ hơn trong nước là hướng quan trọng để bảo đảm sản xuất, kinh doanh bình thường nhưng đề cao cảnh giác. Số lượng người Việt Nam ở nước ngoài về cần tiếp tục được kiểm soát như thế nào, điều này cũng cần phải tính.
22 ngày liên tiếp, Hà Nội không có bệnh nhân mới
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, Ban Chỉ đạo thành phố vẫn duy trì họp thường xuyên để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới. Hà Nội đã cho sinh viên các trường đại học, dạy nghề, học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở đi học trở lại từ ngày 4/5.
Trong 22 ngày liên tiếp, Hà Nội không có bệnh nhân mới, tổng số ca mắc là 112 trường hợp, trong đó 88 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Tất cả bệnh nhân được chữa khỏi khi về địa phương vẫn tiếp tục cách ly 14 ngày, thực hiện xét nghiệm 2 lần.
Ngoài ra, thành phố còn khuyến khích những đối tượng này ở nhà thêm 30 ngày. Hiện nay, tất cả bệnh nhân khỏi bệnh về lại cộng đồng đều cho kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-Cov-2.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại điểm cầu Hà Nội |
Đến nay, Hà Nội chỉ còn 5 trường hợp cách ly tập trung, 4 trường hợp F1, 8 trường hợp F2. Hai ổ dịch là Mê Linh và Thường Tín đều đã được kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy định. Ổ dịch tại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) đã được kiểm soát hoàn toàn và kết thúc vùng cách ly y tế từ 0h00 ngày 6/5.
Ổ dịch tại thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) đã thực hiện cách ly từ ngày 16/4, đến nay đã được 20 ngày, toàn bộ nhân dân trong thôn đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, không có trường hợp nghi ngờ.
"Hà Nội đã kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19. Hiện Hà Nội vẫn còn nguy cơ, nhưng là nguy cơ thấp, khó xảy ra bùng phát dịch trong cộng đồng", Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đưa Hà Nội (trừ thôn Đông Cứu do chưa cách ly đủ 28 ngày) về nhóm "nguy cơ thấp" như các địa phương khác trên toàn quốc để tạo điều kiện cho Hà Nội nới lỏng giãn cách, ổn định thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế, xã hội.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý báo cáo tình hình triển khai Chỉ thị 19/CT-TTg của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới và Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Theo đó, thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 07/CT-UBND về việc triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới để hướng dẫn các địa phương thực hiện, phù hợp với các yêu cầu đối với nhóm tỉnh, thành phố "có nguy cơ"; riêng hai huyện Thường Tín và Mê Linh thuộc nhóm "nguy cơ cao" tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Về việc triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP, Hà Nội đã thực hiện ngay việc chi trả với nhóm đối tượng: Người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Đến ngày 6/5, thành phố đã thực hiện trợ cấp cho 383.258 người (đạt 98%), với kinh phí là 465,7 tỷ đồng; 2% còn lại chưa thực hiện xong là do các đối tượng không ở nơi cư trú, các địa phương sẽ tổ chức gửi chi trả sau.
Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ sớm triển khai hỗ trợ tới các nhóm đối tượng khác theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên tinh thần kịp thời, chặt chẽ, minh bạch, công khai, không để xảy ra tiêu cực.
Trước đó, tại cuộc họp chiều 22/4 giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, Thủ tướng đồng ý xếp Hà Nội là địa phương "có nguy cơ" nhưng một số địa phương của Hà Nội lại có nguy cơ cao như huyện Thường Tín, huyện Mê Linh. |