Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Kiên trì mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với một quy mô kinh tế lớn như Thủ đô, số lượng DN lên tới trên 285.000 DN đăng ký hoạt động, việc chỉ số PCI 2019 của Hà Nội tăng 3,40 điểm là một kết quả rất đáng ghi nhận.

 
Theo đánh giá của VCCI, trong bối cảnh các địa phương đều nỗ lực cải cách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, điểm số trung bình đều tăng lên thì để giữ được vị trí này là nỗ lực rất lớn của Hà Nội. Hà Nội với vị trí quan trọng về chính trị - kinh tế cả nước, với số lượng DN đứng thứ hai của cả nước, rất nhiều vấn đề phải giải quyết cho DN.
Từ năm 2015 đến nay, điểm số của Hà Nội đã tăng liên tiếp. Cùng xếp vị trí thứ 9, nhưng năm 2018, Hà Nội được 65,40 điểm. Năm 2019, Hà Nội đạt 68,80 điểm (tăng 3,40 điểm), tiếp tục ở vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng. Những động lực cải cách của Hà Nội tiếp tục được duy trì. Trong 10 cải cách, Hà Nội được đánh giá cao nhất về gia nhập thị trường, đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ DN. Chất lượng về hạ tầng cơ sở như giao thông, điện, internet nhận được sự hài lòng của nhiều DN. Năm 2019, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để giảm chi phí không chính thức, tăng cạnh tranh bình đẳng và tăng tính minh bạch cũng như tính năng động của chính quyền.
Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ DN. Trong bối cảnh dịch Covid-19, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được TP coi là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Mới đây, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 83/KH-UBND triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 trên địa bàn TP.
TP đã giao các sở, ngành tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, tăng cường trao đổi trong quá trình giải quyết thủ tục để tăng cường hiệu quả công việc. Bên cạnh duy trì chính sách hỗ trợ thành lập DN, TP chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thu hút đầu tư, đón cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết; giữ vững tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%, tỷ lệ DN thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử đạt trên 98%. Đồng thời duy trì thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản còn 14 ngày; phấn đấu 100% thủ tục hành chính của các đơn vị, địa phương được cung cấp trực tuyến cấp độ 3, 4.
4 tháng đầu năm 2020, Hà Nội có 7.468 DN thành lập mới, với số vốn đăng ký hơn 118.000 tỷ đồng; tăng 46,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận xét, số vốn DN đăng ký lại tăng mạnh trong khi bình quân cả nước giảm 17,9%. Con số này thể hiện xu hướng rất tích cực, khẳng định tiềm năng khởi sự kinh doanh còn rất lớn và môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội ngày càng được cải thiện, hấp dẫn các nhà đầu tư. Do đó, công việc này phải được tiếp tục đẩy mạnh, coi đây là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội Thủ đô trong bối cảnh dịch Covid-19.
Hà Nội tiếp tục kiên trì mục tiêu trong top các địa phương có chất lượng điều hành tốt, với các giải pháp thúc đẩy các chỉ số thành phần tốt và khắc phục các chỉ số còn thấp. Thách thức với Hà Nội vẫn còn rất lớn để có thể đáp ứng nhu cầu thực tế của DN. Ngoài việc duy trì cải cách, nỗ lực không ngừng, Hà Nội sẽ phải đi nhanh hơn, mạnh mẽ hơn để có thể đột phá về thứ hạng.
Tại cuộc họp giao ban quý I/2020 mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã cần tiếp tục đôn đốc, triển khai 237 dịch vụ công đạt mức độ 4, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, tăng cường tuyên truyền để người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu, các quận, huyện, thị xã và ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện. Đồng thời rà soát chi tiết các dự án mới, tháo gỡ khó khăn tại các dự án của DN tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài...